Apple, iPhone, iPad, iCloud... tất cả những tên gọi này đều mang lại không ít rắc rối cho Apple bởi chúng đã được sử dụng trước đó.
Có thể bạn chưa biết, trong quá khứ Apple đã gặp khá nhiều rắc rối về pháp lí đối với việc đặt tên các sản phẩm của mình. Thậm chí, chính tên gọi Apple cũng đã từng bị kiện. Năm 1978, Apple Corps, một công ty hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc đã cáo buộc Apple vi phạm bản quyền tên gọi của họ. Để dàn xếp êm thắm vụ việc này, Apple đã phải bỏ ra tới 80.000 USD vào năm 1981.
Dưới đây là 5 vụ việc khác có liên quan đến các tranh chấp về tên gọi Apple từng gặp phải.
1. HealthKit
Feeling annoyed #Apple is using our #HealthKit name for their new health product! @tim_cook r u aware of this? @healthystartups #rockhealth
— HealthKit (@HealthKit) June 3, 2014
Apple mới đây đã giới thiệu thành phần mới trong iOS 8 mang tên gọi HealthKit trong đó mang đến cho người dùng khả năng kiểm soát tốt hơn các dữ liệu liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Sau khi giới thiệu ít lâu, một dự án khởi nghiệp của Úc cũng mang tên HealthKit đã bắt đầu đánh tiếng về việc Apple sử dụng tên gọi này mà chưa hề liên hệ trước với họ.
Nói về vấn đề này, Alison Hardacre, đồng sáng lập dự án HealthKit cho hay: “Rõ ràng Apple thích cái tên của chúng tôi nhưng quả thực tôi hơi thất vọng một chút khi họ không thể bỏ ra 5 giây để liên lạc với chúng tôi trước đó.”
Được biết dự án HealthKit của Úc đã đi vào hoạt động từ năm 2012 và dẫn nguồn từ Wired cho biết, Apple vẫn chưa hề liên lạc với công ty này để thỏa thuận cho tới thời điểm hiện tại.
2. iPhone
Như đã đề cập đến trong một bài viết gần đây, Apple thậm chí còn “mượn tạm” tên gọi cho chiếc smartphone phổ biến của mình. Theo đó, Linksys đã bán một sản phẩm mang tên gọi iPhone từ năm 1996 và được đăng kí bản quyền bởi công ty mẹ là Cisco.
Về sau, Apple và Cisco đã đi đến một thỏa thuận hợp tác trong đó Apple được quyền sử dụng tên gọi iPhone và hai bên sẽ có cách hợp tác ở một số lĩnh vực cùng quan tâm. Các khoản chi phí về tài chính của phi vụ này đều không được công bố.
3. iPad
Năm 2010 đánh dấu thời điểm Apple lần đầu bước chân vào sân chơi máy tính bảng hiện đại với sự ra đời của iPad. Trong đó, có thể bạn chưa biết thương hiệu iPad thuộc về một công ty Châu Á có tên Proview.
Proview liên tục kiện Apple tuy nhiên "táo khuyết" đã mua thành công thương hiệu iPad từ công ty này vào năm 2009, tuy nhiên Proview vẫn cấm Apple không được sử dụng cái tên iPad tại thị trường Trung Quốc tiềm năng. Những lùm xùm tiếp tục được kéo dài cho đến khi sự việc ngã ngũ, Apple được toàn quyền sử dụng tên iPad trên toàn thế giới trong khi Proview bỏ túi thêm 60 triệu USD.
Được biết, Proview lúc bấy giờ đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và họ đã hi vọng sẽ nhận được 400 triệu USD từ Apple.
4. iCloud
Dịch vụ điện toán đám mây iCloud ra mắt năm 2011 với tên gọi được cho là đến từ... iCloud Communications, một dịch vụ điện toán đám mây khác đã hoạt động từ năm 2005.
Muộn hơn cùng năm đó, Apple đã lại phải ra tòa vì tên gọi iCloud. Trong diễn biến phiên tòa, iCloud Communications không quên nhắc lại vụ tên gọi “iPhone” của Cisco như một minh chứng hoàn hảo cho lịch sử... trùng tên của Apple.
Dẫu vậy, Apple đã chiến thắng tại vụ việc này. Một vài tháng sau đó, iCloud Communications đổi tên thành Clear Digital Communications. Lí do đơn giản là thực ra iCloud Communications chưa hề... đăng kí tên gọi iCloud và Apple đã nhanh chóng nẫng tay trên.
5. Snow Leopard
Tiếp nối truyền thống đặt tên hệ điều hành Mac lấy cảm hứng từ các loài thuộc họ mèo, Apple ra mắt nền tảng Snow Leopard vào năm 2009. Tới tận năm 2012, Apple không khỏi bất ngờ khi bỗng nhiên bị một công ty Trung Quốc có tên Snow Leopard Household Chemical Co. đệ trình đơn kiện.
Cụ thể, công ty này khẳng định Apple đã vi phạm quyền sở hữu từ “Snow Leopard” của họ bởi hãng này đã đăng kí cụm từ tương đương trong tiếng Trung là “Xuebao” vào năm 2011. Dẫu vậy, vụ kiện này không thể tiến hành bởi rõ ràng Apple không hề sử dụng từ “Xuebao” để quảng bá cho sản phẩm của mình ở Trung Quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
Bình luận