Đăng ký một địa chỉ cá nhân trên dịch vụ Internet, bạn đừng nghĩ sẽ chỉ có người thân, bạn bè của mình biết và liên lạc theo địa chỉ này. Đó thực sự là ngôi nhà… không có cửa, bạn sẽ phải “đón” những vị khách không mời và không ít trong đó có dụng ý xấu.
Tan giấc mộng 2 triệu USD
Vào một ngày đầu xuân ông V., một quan chức của ngành thể dục thể thao Hà Nội tình cờ cùng lúc nhận được 2 bức thư, 1 qua máy fax cơ quan và 1 qua hộp thư điện tử, nói rằng ông là người đã may mắn trúng giải thưởng độc đắc xổ số toàn Tây Ban Nha được mở trên toàn cầu, trị giá 2 triệu USD.
Ông V. bán tín bán nghi, song phía công ty tự xưng đại diện cho tập đoàn xổ số của Tây Ban Nha đã đưa ra những chứng cứ khiến ông V. hết nghi ngờ. Đại diện công ty nọ khẳng định, giải thưởng 2 triệu USD chỉ được mở mỗi năm một lần, vào đầu xuân, và là sự bốc thăm ngẫu hứng từ hàng trăm nghìn “code” vé máy bay của hành khách đã sử dụng dịch vụ của hãng hàng không Tây Ban Nha.
Quả thực trước đó, ông V. đã từng quá cảnh đến Tây Ban Nha và các nước Châu Âu nhiều lần, mặc dù không nhớ và lưu lại “code” vé máy bay nào. Điều khiến ông V. tin tưởng, là công ty tổ chức quay xổ số ở một nước Châu Âu, quốc gia vốn có “truyền thống” về những khoản tiền kếch xù có tính chất may rủi.
Hơn nữa, hệ thống kinh doanh của họ phải thực sự chuyên nghiệp mới biết được địa chỉ hộp thư điện tử và số máy fax của cơ quan ông. Một vài ngày sau đó, ông V. nhận được bức thư thứ 2, giục mau chóng lập tài khoản tại ngân hàng để làm thủ tục nhận tiền từ Tây Ban Nha về.
Đến lúc này thì ông V tin lắm rồi, lập tức gọi điện thông báo cho bạn bè, anh em và ra ngân hàng ANZ mở tài khoản. Cho đến trước kỳ hạn tiền chuyển về, mỗi khi gặp bạn bè, ai hỏi chuyện trúng xổ số, ông V. đều hào hứng rót rượu ngoại hoặc bật bia để kể “chi tiết” chuyến bay may mắn của mình.
Câu chuyện ông V. trúng xổ số vô tình đến tai Trung tá Lê - một cán bộ Phòng PC15 - CATP Hà Nội. Nghe cô em gái kể chuyện, Trung tá Lê phản ứng tức thì: “Lừa đảo rồi, em bảo thủ trưởng của em dừng liên lạc với phía bên kia, nếu không mất tiền oan đấy”.
Không rõ thực hư ra sao, em gái Trung tá Lê đưa anh trai mình đến gặp ông V. lại tiếp tục mở rượu ngoại, ông V. thông báo thêm thông tin, phía công ty xổ số vừa yêu cầu chuyển trước cho họ 20% số tiền 2 triệu USD để làm thủ tục thanh khoản, thuế với nước sở tại. Cho đến lúc ấy, ông V. vẫn chẳng chút nghi ngờ, sắp sửa mang tiền đi gửi.
Trung tá Lê kiên quyết: “Anh chậm lại 3 ngày tôi sẽ có câu trả lời sớm cho anh về vụ xổ số này”. Trong khoảng thời gian ấy, Trung tá Lê ngược xuôi đi gặp bạn bè làm ở Bộ Ngoại giao nhờ xác minh địa chỉ của công ty nọ (có ghi trong bản fax gửi ông V) bên Tây Ban Nha. Kết quả đúng như nghi ngờ của Trung tá Lê, địa chỉ trên hoàn toàn có thật, nhưng chỉ là một khu chung cư nghèo của người Phi chứ không có công ty, doanh nghiệp nào.
Nghe hồi âm này, ông V “tỉnh” ra, và làm theo hướng dẫn của Trung tá Lê, viết thư cho phía công ty xổ số với nội dung, “cứ trích 20% số tiền 2 triệu USD để trả thuế, còn bao nhiêu chuyển về tài khoản cho ông V”. Quả nhiên sau khi bức thư này được gửi đi, ông V. tuyệt nhiên không nhận được thông báo mời gọi gì nữa.
Kẻ “khai sinh” một loại tội phạm
Trao đổi với PV ngày 10/6, doanh nhân C. (nhân vật chính trong vụ “Sa bẫy một tổ chức tội phạm quốc tế” ) cho biết, anh vừa thoát được cái “bẫy” khác của một nhóm đối tượng người Ruanđa.
Cũng qua hộp thư điện tử, anh C. nhận được thư ngỏ của một cô gái Ruanđa, tự xưng là con gái một gia đình thượng lưu, muốn lấy chồng người nước ngoài và sẽ làm thủ tục bảo lãnh cho “chồng” xuất ngoại. Người chồng tương lai đó sau này sẽ được hưởng thừa kế của gia đình.
Nếu anh C. đồng ý thì chuyển cho kiều nữ 500 USD để làm thủ tục kết hôn. Nhờ bài học 3.000 USD ở Mailaysia, anh C. tuyên bố thẳng: “Tôi đã biết rõ thủ đoạn của các người và đừng mong nhận được tiền gửi sang”. Anh C. tâm sự, quả thực nếu không từng vấp, tôi chắc khó từ chối được lời đề nghị hấp dẫn trên!
Thời điểm hiện nay, khái niệm thẻ tín dụng giả mới được biết đến nhiều tại Việt Nam. Còn 5 năm trở về trước, chắc chắn nhiều người nghe nói đến chỉ biết “há mồm, lắc đầu”.
Trong thế giới ảo Internet, tội phạm thường… hướng dẫn nhau nhiều phương thức “đạo” thẻ tín dụng giả, song phổ biến là 3 cách: Tấn công thẳng vào các cơ sở dữ liệu ở máy chủ của một số công ty quy mô lớn bán hàng qua mạng; cài vào máy đọc thẻ thanh toán tại các ngân hàng, cơ sở tài chính, nhà hàng, siêu thị… những con “chip” để đọc dữ liệu của thẻ; hoặc tấn công vào các máy tính cá nhân của khách hàng bằng cách dụ dỗ họ vào các trang web có hệ thống đánh cắp thông tin, từ đó tài khoản của khách hàng bị lộ.
Nhắc đến loại tội phạm mới mẻ này tại Hà Nội không thể không nhắc đến Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giải trí RC, trụ sở ở quận Đống Đa. Tuấn quê Hà Tĩnh, học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp đại học, anh ta trụ lại Hà Nội và thuê nhà ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình. Với trình độ tiếng Anh và tin học rất giỏi, Tuấn thường lang thang, khám phá mạng Internet.
Qua đó, anh ta đã mua được từ nước ngoài một thiết bị ghi thẻ từ và những chiếc thẻ tín dụng trắng. ý đồ gian lận nảy sinh trong đầu Tuấn, là đánh cắp thông tin của những chiếc thẻ tín dụng thật, biến của người thành của mình. Anh ta lập ra trang web, mạo xưng là tổ chức trung gian của một số ngân hàng quốc tế có nhiệm vụ bảo mật các thông tin trên thẻ tín dụng của khách hàng.
Từ trang web này, Tuấn gửi thông báo tới một số chủ thẻ tín dụng người nước ngoài, đề nghị họ gửi các thông tin về thẻ tín dụng tới trang web nói trên. Một số chủ thẻ đã làm theo hướng dẫn trên trang web và từ đó, Tuấn đã sử dụng chính những thông tin này để nhập vào những chiếc thẻ trắng bằng thiết bị ghi thẻ từ.
Công nghệ chế tạo thẻ giả hoàn tất; Tuấn đã dùng những chiếc thẻ giả đến các máy ATM ở quanh hồ Hoàn Kiếm, Giảng Võ, Thành Công để rút tiền. Hành vi của Nguyễn Anh Tuấn bị Công an Hà Nội phát hiện, bắt giữ.
Quá trình khám xét khẩn cấp nơi ở của anh ta, cơ quan công an thu giữ rất nhiều thẻ tín dụng giả, máy tính xách tay, thiết bị ghi dữ liệu, một số hóa đơn rút tiền và hàng trăm triệu đồng tiền mặt. Nguyễn Anh Tuấn khai nhận với khoảng 30 chiếc thẻ tín dụng giả, y đã “rút” được trót lọt hàng tỷ đồng.
(Theo An ninh thủ đô)
Bình luận