Tốc độ ghi tối thiểu (Speed Class)
Ngày nay, có rất nhiều loại thẻ nhớ SD có bề ngoài giống nhau nhưng tốc độ ghi lại khác nhau hoàn toàn và ta phải chọn ra loại nào phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Ví như nếu bạn là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đang sở hữu chiếc DSLR cho phép chụp nhanh hình ảnh với độ phân giải cao trong thời gian liên tục và lưu bằng định dạng RAW (đòi hỏi dung lượng cao) thì bạn phải cần đến một chiếc thẻ SD có tốc độ ghi càng nhanh càng tốt. Thế nhưng, nếu bạn đang sử dụng 1 chiếc smartphone có hỗ trợ thẻ nhớ ngoài cho việc chụp ảnh thì lại khác, tốc độ ghi chỉ cần ở mức bình thường cũng không sao.
Như vậy, tốc độ ghi tối thiểu của mỗi loại thẻ nhớ sẽ tùy nhu cầu mỗi người. Do đó, các nhà sản xuất thẻ nhớ đã sử dụng thuật ngữ “speed classes” dựa trên điều này để cho ra các sản phẩm với giá thành khác nhau để phục vụ cho từng đối tượng người dùng riêng. Hiệp hội thẻ SD (SD Association) cũng đã đưa ra tốc độ tối thiểu cho từng loại thẻ nhớ để phân biệt tốc độ tối thiểu từ thấp lên cao.
Như hình ảnh trên, hiện thẻ nhớ SD phổ thông có 4 “speed classes” với Class 2 là thấp nhất và Class 10 là cao nhất. Class 2 chủ yếu phù hợp với quay video bình thường (tiêu chuẩn), Class 4 và 6 phù hợp với quay video độ nét cao, riếng Class 10 phù hợp với quay video Full HD. Hiện Class 4 và 6 đang phổ biến nhất trên smartphone, MTB. Đặc biệt, nếu như bạn gặp Class 0, có nghĩa là loại thẻ nhớ này sản xuất trước khi các chuẩn trên được đưa ra và tất nhiên, tốc độ của nó còn kém hơn cả Class 2.
Bên cạnh đó, đã có thêm chuẩn UHS (Ultra High Speed) nhưng 2 chuẩn này chủ yếu dành cho các thiết bị và đối tượng chuyên nghiệp với khả năng ghi với tốc độ rất cao. Tất nhiên, giá thành của nó cũng khá đắt.
Kích thước vật lí
Ngày nay, các nhà sản xuất thẻ nhớ không sản xuất các thẻ có kích thước đồng nhất mà sẽ chia thành theo các loại: SD, miniSD và microSD. Các thiết bị cũng sẽ được trang bị khe cắm phù hợp với kích thước này.
Thẻ SD tiêu chuẩn (Standard SD) là lớn nhất với kích thước 32 x 24 x 2,1 mm và nặng khoảng 2 gram. Đây là loại thẻ đang được sử dụng hầu hết trên máy ảnh với đặc trưng là góc vát phía phải.
Thẻ miniSD nhỏ hơn so với Standard SD (kích thước 21,5 x 20 x 1,4 mm và nặng khoảng 0,8 gram). Loại thẻ này ngày xưa sử dụng khá nhiều cho ĐTDĐ nhưng hiện tại, microSD đã chiếm đa số.
Thẻ microSD có kích thước nhỏ nhất trong 3 "anh em" với kích thước chỉ 15 x 11 x 1 mm và trọng lượng chỉ 0,25 gram. microSD được sử dụng cho hầu hết các smartphone và tablet hỗ trợ thẻ nhớ ngoài hiện nay.
Với các thiết bị hỗ trợ khe Standard SD, người dùng vẫn có thể sử dụng miniSD hoặc microSD thông một thẻ chuyển đổi phù hợp. Loại thẻ chuyển đổi này hiện đang bán khá nhiều trên thị trường hiện nay với mức giá chỉ từ vài chục ngàn đồng.
Dung lượng
Tương tự như USB flash, HDD, SSD, thẻ SD khác nhau cũng có dung lượng lưu trữ khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta cần mua "đủ" dung lượng phục vụ nhu cầu của mình (nhưng phải nằm trong giới hạn thiết bị hỗ trợ).
Theo chuẩn quy định, Standard SDSC (SD) có mức dung lượng từ 1 MB - 2 GB (thậm chí là 4 GB nhưng nó không nằm trong chuẩn). Tiếp đó là SDHC với mức dung lượng từ 2 GB - 32 GB. Cuối cùng là SDXC mới ra mắt gần đây với dung lương lưu trữ từ 32 GB - 2 TB. Ngày nay, SDHC hoặc SDXC được nhiều người lựa chọn để sử dụng nhất do hầu hết các thiết bị đều có thể hỗ trợ chuẩn này. Riêng SDSC ít phổ biến hơn do giới hạn bộ nhớ của nó.
Tạm kết
Khi mua một thẻ SD, bạn cần phải so sánh các thông số trên cũng như kiểm tra chắc chắn rằng thiết bị của mình có hỗ trợ loại thẻ đó, từ đó để đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Theo How to Geek
Bình luận