Chương trình nghiên cứu bí hiểm và đầy tranh cãi HAARP được đồn đoán là nơi tiến hành các hoạt động nghiên cứu tạo ra vũ khí thời tiết của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, HAARP sẽ bị đóng cửa sau khi kết thúc công trình nghiên cứu cuối cùng vào tháng này.
Theo nhật báo Anchorage Daily News (ADN), số phận của HAARP – nơi tập trung của gần 200 chiếc ăng-ten cao tần trên diện tích hơn 12 héc-ta với tổng vốn xây dựng 290 triệu USD chuyên nghiên cứu các thí nghiệm liên quan tới tầng điện li của Trái đất, hiện vẫn chưa được xác định.
Mặc dù, Đại học Alaska được cho là đang cân nhắc giành quyền quản lí trung tâm này song họ lại không cam kết chi trả khoản phí 5 triệu USD/năm để duy trì hoạt động của cơ sở nghiên cứu.
Phát biểu trước Thượng viện, mới đây, David Walker, quan chức phụ trách khoa học, công nghệ và kĩ thuật của Không quân Mỹ nhấn mạnh: "Trong tương lai, chúng tôi không dùng tới bất cứ khu vực nào tại HAARP và số tiền đầu tư sẽ được chuyển tới dự án khác".
Về cơ bản, HAARP được sử dụng làm nơi để các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu những công nghệ truyền thông mới và thực hiện các thí nghiệm liên quan tới tầng điện li nằm cách bề mặt Trái đất 600 km vì nó có ảnh hưởng tới việc truyền tín hiệu vô tuyến. Chương trình HAARP được thực hiện vượt ra ngoài khuôn khổ trạm nghiên cứu ở Alaska, nơi đặt một thiết bị truyền tải tần sóng vô tuyến năng lượng cao và có thể làm xáo trộn một phần nhỏ của tầng điện li.
Mục tiêu của chương trình là hiểu rõ được các đặc điểm vật lí của tầng điện li, vốn phản ứng liên tục với những tác động từ mặt trời. Trong khi đó, các cơn bão mặt trời có thể phóng vô số hạt năng lượng về phía Trái đất, đôi khi làm gián đoạn thông tin liên lạc và mạng lưới điện. Nếu các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về những gì xảy ra ở tầng điện li, họ có thể giảm nhẹ vấn đề này.
Nếu không một tổ chức nào đứng ra nhận quyền quản lí trung tâm HAARP, cơ sở này sẽ có khả năng bị đóng cửa vĩnh viễn. Theo ông Walker, Không quân Mỹ sẽ bắt đầu di chuyển các thiết bị quan trọng trong mùa hè năm nay.
Dự án nghiên cứu cuối cùng tại HAARP do Cơ quan Dự án Nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) đảm nhận. Lâu nay, HAARP bị nghi ngờ là nơi nghiên cứu các cách thức gây ra thảm họa tự nhiên như lốc xoáy, siêu bão, ngập lụt và động đất.
Thậm chí, một số nhà lãnh đạo thế giới còn lên tiếng chỉ trích trung tâm nghiên cứu HAARP của Mỹ. Theo hãng tin RT, trong một cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã cáo buộc HAARP phải chịu trách nhiệm cho việc gây ra những trận lũ lụt hủy diệt tại Pakistan. Thậm chí, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez từng cho rằng HAARP là cơ sở gây ra trận động đất lớn tại Haiti năm 2010.
Những lời cáo buộc với HAARP vẫn không ngừng được công bố. Nhà khoa học người Serbia Velimir Abramovic khẳng định những cơn mưa mới xảy ra tại nước này là do HAARP tạo ra bởi họ chưa từng chứng kiến hình thái sấm chớp hay kiểm mưa kì lạ như vậy trước đó.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.
Theo Infonet.
Bình luận