Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng Internet. Tuy nhiên, nạn lừa đảo hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan trên các website mua bán.
Trước tình hình này, yêu cầu cần có là môi trường pháp lí cho TMĐT phát triển và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch trực tuyến.
Doanh số tăng cao
Chỉ cần vài cú click chuột là có thể lập được một website bán hàng và chi phí để trả cho các website này hoạt động lại không đáng kể nên dẫn tới việc bùng nổ website mua bán TMĐT. Hoạt động TMĐT được thực hiện thông qua mạng xã hội, thương mại di động, thanh toán trực tuyến... Theo thống kê của Cục TMĐT và công nghệ thông tin, doanh số bán lẻ của TMĐT năm 2013 đạt 2,2 tỉ USD, tuy còn rất khiêm tốn so với GDP của cả nước nhưng TMĐT đang và sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ với 120 triệu thuê bao di động đang hoạt động và 36 triệu người truy cập Internet trên cả nước. Dự kiến, đến năm 2015 doanh số bán lẻ của TMĐT sẽ đạt khoảng 4 tỉ USD.
Cụ thể, với 13 triệu người Việt Nam có tài khoản Facebook thì đây là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động bán hàng online. Hoạt động này được thực hiện rất dễ dàng, chỉ đơn giản là lập một tài khoản Facebook, kết nối với bạn bè, những người quan tâm rồi đưa thông tin, hình ảnh về hàng hóa lên rao bán, chẳng phải tốn bất cứ chi phí nào. Vì thế, hình thức kinh doanh qua Facebook đang phát triển mạnh mẽ.
Chị Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội) chuyên bán hàng xách tay chính hãng từ Mỹ và Nhật về qua Facebook... Mỗi ngày chị đều gửi đến bạn bè rất nhiều mặt hàng để chào bán, từ quần áo, giày dép, đồng hồ, mĩ phẩm cho đến thực phẩm chức năng. Hoạt động bán hàng này mang lại cho chị lợi nhuận vài triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng như nhiều người khác chị không biết gì và cũng chưa từng nghĩ đến việc bán hàng qua Facebook cũng phải đăng kí với cơ quan quản lí.
Không riêng gì chị Thúy, những ai có tài khoản Facebook đều dễ dàng tiếp nhận nhiều thông tin quảng cáo, khuyến mại, bán hàng xuất hiện trên Facebook. Việc bán hàng được thực hiện theo phương thức, đặt hàng trực tiếp qua mạng, người mua trên khắp cả nước sẽ được chuyển hàng đến tận tay thông qua chuyển phát nhanh và người bán nhận tiền qua chuyển khoản ngân hàng.
Chưa kể là sự xuất hiện nhan nhản các website bán hàng, trang cá nhân rao vặt, buôn bán nhỏ khắp trên các mạng xã hội, các diễn đàn, các sàn giao dịch TMĐT... Những người buôn bán này hầu như cũng kinh doanh tự phát chứ không bị ràng buộc bởi bất cứ một quy định nào. Bởi sự tiện lợi, nhanh chóng nên hình thức mua bán hàng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người tiêu dùng cũng dần thay đổi thói quen trực tiếp ra cửa hàng mua hàng, chỉ cần ngồi ở nhà, lên mạng Internet thì có thể mua được hầu hết các sản phẩm mà mình cần thông qua giao dịch trực tuyến.
Tuy nhiên, do buông lỏng quản lí nên rất nhiều vấn đề bất cập xuất hiện từ việc mua bán trực tuyến này. Các vụ lừa đảo điển hình như Công ty Tâm Mặt Trời, Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt đã chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng thông qua mua bán trực tuyến. Chưa kể, mỗi ngày đều có người tiêu dùng bị lừa mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Và do có nhiều kẽ hở pháp luật nên mua bán trực tuyến cũng tạo điều kiện cho hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xách tay... được mua bán trót lọt.
Theo ông Lê Minh Loan, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, tình trạng lừa đảo trên TMĐT ngày càng phức tạp, trong đó phổ biến là hàng điện tử và hàng có giá trị. Các hành vi lừa đảo qua các cổng thanh toán trung gian cũng ngày càng phổ biến với các vụ vi phạm có giá trị lên tới hàng tỉ đồng. Điều đó đặt ra yêu cầu quản lí phải nâng lên để đảm bảo TMĐT hoạt động một cách hợp pháp, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về: thuế, an toàn bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân cho khách hàng...
Lúng túng trong quản lí
Hiện nay, trên cả nước chỉ có 4.800 website hoạt động TMĐT đăng kí thủ tục theo quy định, chiếm tỉ lệ khoảng 2% doanh nghiệp TMĐT đang hoạt động. Các địa phương có doanh nghiệp đăng kí nhiều nhất là: TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Ninh. Riêng TP HCM có khoảng 80.000 website TMĐT đang hoạt động thì cũng chỉ có 1.876 website tiến hành các thủ tục đăng kí, thông báo theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết: Định hướng được sự phát triển của TMĐT nên ngay từ năm 2008, Sở Công Thương thành phố đã thành lập Ban Thường trực quản lí TMĐT, tiến hành thanh tra các website để nắm hoạt động mua bán từ các trang mạng này. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra gặp khó khăn do không có thông tin liên hệ, chủ sở hữu... Bởi thông thường các doanh nghiệp công nghệ thông tin được thuê lập website làm luôn việc đăng kí thông tin cho doanh nghiệp nên hầu như là thông tin ảo, cơ quan quản lí rất khó xác định được chủ sở hữu thật sự. Nhiều website còn sử dụng tên miền nước ngoài với mục đích né tránh kiểm soát của cơ quan chức năng.
Mặc dù từ năm 2005 đã ra đời Luật giao dịch điện tử và trong những năm gần đây nhiều Nghị định của Chính phủ đã được ban hành như: Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… tạo hành lang pháp lí cho TMĐT phát triển nhưng sau một thời gian đưa vào thực tiễn, các quy định pháp luật bộc lộ nhiều bất cập khi doanh nghiệp “làm lơ” với quy định còn chất lượng và số lượng nhân lực quản lí chưa đáp ứng được việc thực hiện quản lí theo quy định đề ra.
Ông Trần Vinh Nhung thừa nhận, hoạt động quản lí luôn phải chạy theo sau sự phát triển của TMĐT. Một mình ngành Công Thương không thể quản lí được hoạt động TMĐT vì đây là hoạt động bán hàng đặc biệt dựa trên công nghệ thông tin và mạng Internet. Do đó, dù được đào tạo, nhân lực ngành Công Thương cũng không đáp ứng được trình độ công nghệ thông tin để quản lí các hoạt động này. Cần có sự phối hợp mang tính chuyên môn cao giữa ngành công thương và thông tin truyền thông để việc quản lí đạt hiệu quả.
Còn theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và công nghệ thông tin, TMĐT là kinh doanh trên nền tảng Internet, do đó cách quản lí cũng phải có những đặc thù riêng, nếu cứ bê nguyên kiểu quản lí hành chính giấy tờ như thương mại truyền thống vào thì không thể quản lí được. Nên chăng xem xét việc quản lí thủ tục hành chính trực tuyến đối với hoạt động TMĐT, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các quy định của pháp luật về TMĐT.
Sự phát triển TMĐT là xu hướng tất yếu và trở thành một hoạt động thương mại giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Do đó, việc hoàn thiện môi trường pháp lí để tạo điều kiện cho TMĐT phát triển và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng giữ vai trò rất quan trọng. Nếu cứ để tình trạng phát triển TMĐT một cách tự phát như hiện nay thì không chỉ gây mất lòng tin ở người tiêu dùng mà còn làm hạn chế sự phát triển của TMĐT bởi các doanh nghiệp cũng sẽ e ngại khi tham gia vào một môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro khi không có sự bảo vệ của pháp luật.
Theo Petrotimes.
Bình luận