Thiết bị đeo (wearable) ngày nay xuất hiện gần như ở khắp mọi nơi. Mùa hè này cũng chính là thời điểm “nóng” nhất vì nhiều hãng công nghệ tên tuổi như Google, Motorola, LG, Microsoft,.... đều lần lượt tung ra những mẫu smartwatch mới của mình. Sự nở rộ các thiết bị đeo như smartwatch, smart glass cùng các thiết bị theo dõi sức khỏe đã cho thấy rõ ràng các thiết bị điện tử tiêu dùng có thể đeo trên cơ thể người sẽ trở nên một làn sóng mới, áp đảo nhiều thiết bị khác.
Nếu như nhiều công ty trên thế giới chọn lựa cải tiến công nghệ để dẫn đầu trong các mảng như viễn thông, năng lượng, xe hơi hay y sinh học - thì hầu như các doanh nghiệp lớn nhỏ ở thị trường Mỹ gần như chỉ tập trung vào đẩy mạnh phát triển công nghệ ứng dụng cho các thiết bị đeo. Lí do xuất hiện sự phân chia này bắt nguồn từ những đổi mới, phát triển hệ sinh thái tại thị trường Mỹ đã giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mới. Điều này không chỉ đúng đắn với các “tên tuổi” lớn như Google hay Apple mà còn đúng cả cho những công ty đang phát triển các thiết bị đeo mới nổi lên gần đây.
Bên cạnh đó, một lí do khác không ít phần quan trọng chính là những môi trường giáo dục lớn như Berkeley, Stanford, Carnegie Mellon và MIT còn được xem là những vườn ươm công nghệ - mang đến cho các công ty mới tại thị trường này nhiều cơ hội tận dụng chính tài nguyên của nhà trường để phát triển. Nói khác đi, các kĩ sư từ những doanh nghiệp mới này ít gặp rủi ro về vấn đề tài chính hơn trong quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm mới của họ.
Không chỉ vậy, các nhà sản xuất thiết bị đeo còn phối hợp rất ăn ý với Crowdfunding, một hình thức gây vốn từ cộng đồng vốn được xem là cách xin cấp vốn ưu việt hơn cách thức truyền thống. Minh chứng cụ thể cho trường hợp này chính là Pebble. Công ty này đã kêu gọi đầu tư được hơn 10,2 triệu USD từ mảng thiết bị smartwatch của mình dù mục tiêu mà hãng đặt ra chỉ vỏn vẹn 100.000 USD. Không chỉ riêng Pebble, Oculus với sự trợ giúp từ công ty huy động vốn đại chúng Kickstarter đã có được hơn 2 triệu USD tiền góp vốn và mới đây, công ty hàng đầu về công nghệ thực tế ảo đã chính thức “về với đội” Facebook với số tiền đầu tư từ hãng này lên đến 2 tỉ USD.
Riêng với thị trường Châu Âu, phải nói là gần như các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi động không được hưởng lợi từ sự đa dạng của các nguồn tài trợ như các doanh nghiệp tại thị trường Mỹ. Thay vào đó, Ở Châu Âu, sự sáng tạo thường xuyên phải “vật lộn” để nhận được tài trợ từ chính phủ. Chính vì điều này mà tinh thần sáng tạo cho các công nghệ mới như wearable của các công ty này cũng suy giảm rất nhiều. Nhưng công bằng mà nói, Châu Âu đã vượt xa các thành tích của Mỹ trong các lĩnh vực về năng lượng bền vững, thiết kế ô tô và y sinh học.
Vẫn biết rằng sự tài trợ từ chính phủ là một phần quan trọng trong công cụ đổi mới Châu Á. Song, các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi động với nhóm thiết bị đeo và công nghệ liên quan vẫn không phải là những đối tượng chính được quan tâm. Điều này cho thấy chỉ những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng ở Châu Á như Samsung, Sony hay LG sẽ chi phối sự phát triển của công nghệ và thiết bị đeo ở đó. Dù vậy, Trung Quốc lại là một ngoại lệ vì sự bùng nổ các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng trên quốc gia này. Có thể nói, trong tương lai, sẽ có không ít các thiết bị đeo được thiết kế ngay tại chính quốc gia này.
Một điều rõ ràng là sự cải tiến công nghệ đang diễn ra trên toàn thế giới. Song, khi nói đến những thiết bị đeo cũng như một số thành phần công nghệ và những nền tảng giúp hình thành nên wearable, các công ty tại Mỹ vẫn đang đi đầu và tiếp tục giữ vững vị thế này.
Theo PCWorld VN.
Bình luận