Ông Bùi Thiện Cảnh - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng đồng thời cũng là Giám đốc FPT Đà Nẵng nói, trong một tương lai không xa nữa Đà Nẵng sẽ có tên trong bảng xếp hạng thế giới về công nghiệp phần mềm.
Ông dẫn chứng, 10 năm trước khi FPT đặt viên gạch đầu tiên ở Đà Nẵng thì hai tiếng phần mềm ở đây còn lạ lẫm lắm. Và từ chỗ chỉ có 10 người, giờ FPT Đà Nẵng-miền Trung đã có 3 ngàn người, doanh thu 4 ngàn tỉ đồng. Điều gì đã tạo nên sự đổi thay ấy? Là bởi 10 năm trước FPT đã nhìn thấy Đà Nẵng hội tụ được nhiều yếu tố để có thể là thung lũng công nghệ, thu hút nhân tài CNTT khắp nơi đổ về.
Thực tế đã chứng minh, với mức thu nhập bằng nhau trong ngành phần mềm ở Hà Nội, TPHCM song nhiều kĩ sư đã chọn về Đà Nẵng, bởi ở đây chi phí sinh hoạt rẻ hơn, môi trường sống tốt hơn và tất nhiên đã tạo ra chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn.
Với công nghiệp phần mềm thì nhân lực là trọng yếu. Ông Cảnh nói: "Khi thu hút lập trình viên về Đà Nẵng, tôi nói với họ rằng về Đà Nẵng để tìm đến một cuộc sống mới, được làm công việc yêu thích, thu nhập cao, được sống ở một thành phố đáng sống. Thực sự thì với nguồn nhân lực chất lượng cao, để thu hút, giữ chân họ không phải chuyện dễ. Chúng tôi phải xây hẳn một khu đô thị tiêu chuẩn sống như phương Tây với đầy đủ chỗ ăn ở, dịch vụ, giải trí".
Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng cũng cho rằng, để xây dựng Đà Nẵng có “số má” trong bảng xếp hạng phần mềm thì cần phải xây dựng một thương hiệu chung. Tức là nghĩ tới Đà Nẵng, các đối tác nhìn thấy một đội ngũ làm phần mềm tiềm lực mạnh, có thể chia sẻ các phần việc cho nhau chứ không chỉ là 1 DN. Ông Cảnh cũng cho rằng, để đẩy mạnh công nghiệp phần mềm trước hết phải đẩy mạnh số lượng nhân lực làm phần mềm.
Tuy vậy đây cũng đang là vấn đề khó. Đơn cử như FPT Đà Nẵng mỗi năm cần tuyển 500 – 1.000 kĩ sư, chưa nói về chất lượng, chỉ cần số lượng đó các trường đại học ở địa phương đã không đào tạo đủ. Để có nhân lực, FPT phải đi cả miền Trung để tuyển, thậm chí có trường đã cam kết tuyển ngay khi ra trường với mức lương tối thiểu từ 90-120 triệu đồng/năm. Tham vọng trong những năm tới, riêng tại FPT Đà Nẵng sẽ có khoảng 10 ngàn kĩ sư làm việc.
“Cần phải quy hoạch nguồn nhân lực CNTT, trong đó phải tính đào tạo ngoại ngữ ngay từ cấp II. Rõ ràng sản xuất phần mềm đang mở ra cơ hội rất lớn, phù hợp với dân số trẻ, giàu chất xám của người Việt, đặc biệt nhu cầu tuyển dụng cao, mức lương cao. Quả thực là chúng tôi đang rất thiếu nhân lực mà đặc biệt là nhân lực giỏi”- ông Cảnh chia sẻ.
“Tại sao người ta đang làm với Ấn Độ, với Trung Quốc rất tốt lại phải sang Việt Nam mà là tới Đà Nẵng để đặt hàng phần mềm? Chỉ có một cách là hình ảnh của TP này phải được quảng bá nhiều hơn, để họ đã tới là thấy thích thú. Và một điều nữa, phải đi bằng hai chân, vừa chất lượng vừa giá cạnh tranh”-ông Cảnh khẳng định.
Với cái nhìn thực tế hơn, ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho rằng, trong nửa năm qua doanh thu xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng đạt trên 15 triệu USD tăng gần 58%. Con số này rất ý nghĩa, nó chỉ ra rằng thị trường xuất khẩu đã được mở rộng, năng lực sản xuất của DN cũng đáp ứng được yêu cầu của thế giới.
Nhìn xa hơn, trong gần 10 năm, từ chỗ chỉ vài trăm người với doanh thu 1,6 triệu USD, giờ Đà Nẵng đã có hơn 200 DN sản xuất phần mềm, thu hút nhân lực hơn 5 ngàn lập trình viên. Không tốn một gram tài nguyên, cũng không gây ô nhiễm môi trường, chỉ cần một cái laptop vậy là chúng ta có thể bán chất xám đem về hàng triệu triệu USD.
Nếu chịu khó nhìn ở một khía cạnh khác, 5 ngàn kĩ sư đã đổ về Đà Nẵng, trong tương lai gần, con số này có thể lên 10 ngàn, 20 ngàn. Họ chính là nhân lực cao, thu nhập cao và chính họ sẽ góp phần tăng chất lượng cuộc sống đô thị chứ không tạo ra gánh nặng về an sinh.
Hơn nữa, trong bối cảnh Đà Nẵng đang hướng đến công nghệ cao, thì sự phát triển mạnh mẽ công nghiệp phần mềm đã tạo ra nền tảng, định hình một lĩnh vực trọng tâm của công nghệ cao. Rõ ràng đây là ngành công nghiệp rất thời đại, có tác động lan tỏa tới nhiều ngành khác. Thử hỏi trong xã hội hiện đại, ngành nào chẳng cần tới máy tính, phần mềm để đạt hiệu quả cao.
Tương lai nào cho công nghiệp phần mềm Đà Nẵng, hay nói cụ thể hơn bao giờ thì Đà Nẵng mới có tên trên bảng xếp hạng là trung tâm sản xuất phần mềm thế giới? Theo ông Sơn, điều này đến nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng chớp thời cơ để phát triển của TP.
Ít nhất trong góc độ đầu tư hạ tầng, suốt 11 năm qua Đà Nẵng chỉ mới có mỗi công viên phần mềm số 2 Quang Trung chỉ đủ sức chứa 1,5 ngàn người. Khu công viên thứ 2 ở Thuận Phước rộng 10ha 3 năm nay chỉ đầu tư được hơn 200 triệu đồng.
Một thực tế buồn là vì thiếu mặt bằng đạt chuẩn nên nhiều DN phần mềm phải thuê ở các cao ốc không được thiết kế chuyên dụng cho làm phần mềm, chất lượng đường truyền, môi trường làm việc không đảm bảo. “CNTT là cứu cánh của một quốc gia đang phát triển. Với một TP năng động như Đà Nẵng càng phải biết nắm lấy cơ hội này, nhưng dường như TP chưa sẵn sàng” – Ông Sơn nói.
Theo Cadn.
Bình luận