Gear Live là smartwatch đầu tiên sử dụng Android Wear của Samsung

Kể từ khi thị trường chứng kiến sự ra mắt của một số smartwatch ban đầu đến từ Samsung như Galaxy Gear, Gear 2; Sony với SmartWatch, SmartWatch 2 hay Pebble với Pebble Watch… mới đây tại Google I/O như Moto 360, LG G Watch, Gear Live và sắp tới sẽ có thêm các sản phẩm từ phía Apple như iWatch hay các sản phẩm từ Microsoft… hứa hẹn sẽ giúp thị trường smartwatch cuối năm sôi động hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy rằng, ở thời điểm hiện tại, các sản phẩm đã ra mắt nêu trên vẫn chưa chứng tỏ được sự hấp dẫn của mình đối với người dùng và bằng chứng là doanh số bán hàng vừa qua đã cho thấy điều đó. Vậy vì sao lại có tình trạng này?

Thiết kế đơn điệu

Cũng giống như một chiếc đồng hồ đeo tay thông thường, bên cạnh việc thể hiện là một sản phẩm công nghệ, smartwatch cũng phải thể hiện mình là một sản phẩm thời trang, là một trang sức đeo tay, tuy nhiên không nhiều sản phẩm trên thị trường hiện nay đáp ứng đầy đủ điều kiện này.

Có thể nhận ra hầu hết các nhà thiết kế đã đưa vào chúng một “khuôn” hình chữ nhật thiếu tự nhiên, mặc dù họ đã cố “nhồi nhét” màu sắc, khung kim loại tạo sang trọng… nhưng việc không có đột phá về tính thẩm mĩ đã là “chùn bước nhiều người”. Đó là chưa kể việc “phối” đồ làm sao cho phù hợp: một bộ vest sang trọng, đôi giày hàng hiệu… không thể đi kèm với một chiếc đồng hồ lòe loẹt và dây nhựa rẻ tiền được.

Ảnh
Moto 360 là chiếc smartwatch đầu tiên chạy Android Wear với màn hình tròn truyền thống

Cũng đã có một số smartwatch đi theo phong cách tròn truyền thống, ví dụ như Moto 360. Nhưng cái gì cũng có sự đánh đổi của nó, nếu như sản phẩm của Motorola có ngoại hình trang nhã, bắt mắt như đồng hồ truyền thống thì cũng đồng nghĩa với việc khả năng hiển thị đầy đủ thông số bị giảm đi khá nhiều, và khả năng thao tác cũng bị giảm đi rất nhiều so với màn chữ nhật.

Chưa thể hoạt động độc lập, chưa “thông minh” đúng nghĩa

Chúng ta có thể nhận ra rằng để có thể hoạt động được ngoài việc hiển thị giờ giấc, hẹn giờ… (điều mà các đồng hồ điện tử thông thường vẫn làm được), smartwatch vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào smartphone để có thể phát huy đầy đủ tính năng của nó.

Việc phải kết nối (tức là phải mang theo cùng lúc 2 thiết bị) cồng kềnh đã đành, đằng này việc kết nối cũng không làm được điều gì nhiều ngoài hiển thị thông báo email, MXH, tin nhắn… Hoặc nếu có tính năng nghe gọi, người dùng cũng phải bằng cách “đưa tay lên miệng” để nói và điều này rất khó chấp nhận được ở nơi đông người.

Ảnh
Galaxy Gear Fit.

Có thể với những smartwatch gần đây, các nhà sản xuất cũng đã tích hợp vào đó những bộ cảm biến sức khỏe như Gear 2, Gear 2 Neo, Gear Fit của Samsung tích hợp cảm biến nhịp tim, đo bước chạy bộ… nhưng nếu muốn hiển thị các thông số này, người dùng cũng phải cần đến một chiếc smartphone.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ rất ít ứng dụng cho đồng hồ thông minh cũng là rào cản khiến người dùng e ngại. Ngay cả các ứng dụng đã tải về, việc hoạt động cũng không được trơn tru 100% công suất của nó bởi cấu hình phần cứng quá thấp (do không thể tích hợp cấu hình mạnh vào cơ thể nhỏ gọn này) và cuối cùng, smartwatch cũng phải “cầu cứu” tới smartphone.

Trong tương lai, smartwatch đang kì vọng sẽ trở thành thông minh thực sự khi có thể “ra lệnh” thông qua trợ lí áo như Siri hay Google Now nhưng tính tương tác cao hơn. Tuy nhiên, một rào cản lớn là việc các nhà sản xuất phần cứng có vẻ như vẫn chưa tin tưởng sự thành công của thiết bị đeo này.

Thời lượng pin

Không chỉ trên laptop, smartphone, MTB… thời lượng pin là vấn đề tối quan trọng của bất kì một thiết bị di động nào và smartwatch không nằm trong trường hợp ngoại lệ. Và nếu như việc sạc pin xảy ra thường xuyên trong thời gian ngắn, bạn biết sẽ phải làm gì với chiếc đồng hồ của mình.

Đặc thù của đồng hồ là có thể sử dụng liên tục trong thời gian dài, nhưng với một số cái tên mới đây được giới thiệu như Galaxy Gear hoạt động 25 giờ liên tục, 2 ngày nếu ở chế độ chờ, SmartWatch của Sony sử dụng tầm 3 - 4 ngày là chưa đủ. Đây có thể là thời lượng sử dụng lí tưởng đối với smartphone hay MTB nhưng trên đồng hồ, không ai muốn tính thời gian sử dụng bằng giờ cả. Có thể sạc dự phòng sẽ là giải pháp nhưng không phải ai cũng muốn mang chúng.

Giá cả chưa phù hợp

Từ khi ra mắt, Gear 2 của Samsung được bán với giá lên tới 295 USD (hơn 6,3 triệu đồng) hay Gear đời đầu là 300 USD (gần 6,5 triệu đồng), hoặc như SmartWatch 2 của Sony được bán với giá hơn 4 triệu đồng. Sắp tới nhiều khả năng các thiết bị ra mắt tại Google I/O 2014 vừa qua cũng sẽ bán với giá từ 150 USD trở lên và đây có thể nói là mức giá khá cao, “không đáng” để người dùng bỏ ra khi những tính năng mà nó mang lại khá ít và có thể thay thế bằng smartphone hay đồng hồ thông thường.

Khi bắt đầu mua hàng, người dùng luôn muốn quan tâm đầu tiên đến lợi ích sử dụng nhưng với giá cả trên khó có ai có thể bỏ ra một lượng lớn tiền để tiết kiệm khoảng 3 giây kể từ khi rút điện thoại ra khỏi túi quần cả.

Có thể smartwatch sẽ là xu thế tiếp theo giống như smartphone đã làm ở thập kỉ trước, nhưng ở thời điểm hiện tại, nó vẫn chưa đủ hấp dẫn để người dùng có thể lựa chọn nó.

Theo Dân Trí.




Bình luận

  • TTCN (0)