Có 3 lí do được nhiều người dùng Internet từ chối dùng tên miền gõ dấu tiếng Việt. Thứ nhất, theo một số doanh nghiệp tại Đà Nẵng, việc tiếp cận các luồng thông tin với tên miền gõ dấu tiếng Việt ngay từ đầu đã là một sự bất lợi, vì hầu hết đều không gắn với các nội dung thông tin phong phú như các dạng tên miền khác.
“Điều này không trách được, vì thế giới có bao nhiêu người sử dụng tiếng Anh và ngôn ngữ khác, như Hoa, Nhật, trong khi tiếng Việt chỉ gói gọn trong… 90 triệu dân nước ta. Rất nhiều đồng bào ta ở nước ngoài cũng không sử dụng gõ tiếng Việt trong giao tiếp mạng hàng ngày, thì việc gì họ phải dùng tên miền tiếng Việt?”, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Đà Nẵng nói vậy.
Một số chuyên viên công nghệ thông tin cũng nhìn nhận, thực tế lượng website sử dụng tên miền gõ dấu tiếng Việt cũng không thuộc loại phong phú về nội dung cho lắm, nên khi 1 người dùng tra cứu thông tin trên các công cụ như google, kết quả có được với tên miền tiếng Việt là rất thấp.
Thứ hai, không ít người cảm thấy việc gõ dấu tiếng Việt khi dùng Internet là phiền toái. Một lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Huế thừa nhận: “Tôi ghét tên miền tiếng Việt từ khi còn dùng bộ gõ ABC kia. Chả hiểu sao người ta lại tạo ra được 1 bộ gõ tệ hại như vậy, biến những từ đơn giản như “cơn mưa” thành “con ma”. Do đó, tôi nói thiệt không xài tên miền tiếng Việt luôn”.
Nhiều người khác thì cho rằng, đòi hỏi người nước ngoài sử dụng bộ gõ tiếng Việt để tra cứu 1 tên miền trong nước, là cả một đòi hỏi quá sức, không khác gì người Thái Lan buộc người Việt Nam phải tra cứu tên miền tiếng Thái. Rào cản ngôn ngữ Việt với các dấu thanh, thật sự khiến nhiều người nước ngoài dù đã học qua tiếng Việt cũng công nhận quá sức rắc rối.
Thứ ba, trong bối cảnh mạng toàn cầu phát triển mạnh mẽ, điều kiện tương tác giữa người dùng Internet ngày càng thuận tiện, nhiều người cho rằng bó buộc quan niệm “người Việt phải dùng tên miền tiếng Việt” là cả một sự gò bó bất cập.
Nếu để khẳng định vị thế và thuận lợi trong giao dịch, người dùng có thể ưu tiên dùng tên miền .vn; song để biến toàn bộ tên miền thành Việt hóa có dấu thì không phải dễ dàng.
Thậm chí, khi số đông người dùng đã quen với khái niệm “đánh dấu ngầm” khi đọc các tên miền không dấu theo âm đọc Việt ngữ, thì có hay không có dấu tiếng Việt chẳng là rào cản. Chính từ thực trạng đó, mà theo ghi nhận từ nhiều đơn vị hoạt động công nghệ thông tin và tên miền Internet, vấn đề sở hữu tên miền gõ dấu tiếng Việt không được cộng đồng mặn mà.
Một lãnh đạo đơn vị quản lí Tin học thuộc Bưu điện Đà Nẵng thổ lộ, đơn vị ông cũng là đại lí phát triển tên miền Internet; song suốt nhiều năm qua, cũng chưa hề có được 1 hợp đồng nào kí với khách hàng về sử dụng tên miền tiếng Việt có dấu cả.
Một doanh nghiệp khác cũng có website đăng kí tên miền tiếng Việt tâm tư, việc tham gia này được ông ta tiến hành trong 1 đợt vận động sử dụng tên miền chủ thể tiếng Việt trước đây. Đáng buồn là từ đó đến nay, website có cũng như không, vì cả đơn vị doanh nghiệp chẳng ai đăng nhập vào, bản thân ông cũng không mặn mà theo dõi.
Tên miền tiếng Việt, vì thế bỗng trở thành câu chuyện hình thức cho có, đối với nhiều người dùng Internet Việt Nam.
“Nên chăng, nhà quản lí cần nhận rõ vấn đề hơn, để hoặc đừng cố chấp duy trì sáng kiến tên miền gõ dấu tiếng Việt nữa, tập trung vào đầu tư hệ thống khác ích lợi hơn; hoặc hết sức mở rộng mặt truyền thông, vận động mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng người dùng tiếng Việt”, một doanh nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng bày tỏ.
Theo Bizlive.
Bình luận