Điện thoại không dây DECT 6.0 không đạt chuẩn gây nhiễu mạng 3G của MobiFone bị cơ quan tần số thu giữ. Ảnh: Cục Tần số Vô tuyến điện.

Loại điện thoại nêu trên có tần số cùng băng tần mạng di động MobiFone gây nhiễu mạng 3G của nhà mạng này và gây khó khăn và tốn kém rất lớn cho việc phát hiện, xử lí can nhiễu.

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của Cục Tần số Vô tuyến điện vào sáng 8/7/2014, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, tình trạng người dân dùng điện thoại không dây DECT 6.0 gây nhiễu cho mạng 3G của MobiFone tiếp tục tái diễn trên diện rộng. Các Trung tâm Tần số Vô tuyến điện đã xử lí nhiễu có hại thành công cho 216 Node B tại 12 tỉnh, thành, qua đó đó cũng phát hiện và xử lí 395 điện thoại DECT 6.0 gây nhiễu có hại.

Tình trạng người dân dùng điện thoại không dây kéo dài có xuất xứ từ Mỹ sử dụng băng tần cùng tần số với mạng MobiFone nên gây nhiễu cho mạng 3G của nhà mạng này được phát hiện và cảnh báo từ nhiều năm nay, nhưng vẫn tiếp tục tái diễn và có chiều hướng gia tăng. Năm 2013, cơ quan quản lí tần số đã phát hiện tới 377 vụ sử dụng điện thoại không dây DECT có xuất xứ từ Mỹ gây nhiễu sóng có hại, nhưng hiện người dân sử dụng rất nhiều điện thoại loại này.

Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 không đúng băng tần quy hoạch cũng gây nhiễu cho mạng 3G, còn thiết bị trạm lặp của người dân gây nhiễu cho mạng di động. Một số thiết bị gây nhiễu di động sau một thời gian sử dụng, bị trôi tần số gây nhiễu băng tần thu các trạm gốc mạng di động. Ngoài ra, còn có nhiều thiết bị bộ đàm, mạng dùng riêng hoạt động không có giấy phép, sai quy định của giấy phép gây nhiễu cho các mạng dùng riêng khác.

Trong 6 tháng đầu năm, Cục Tần số Vô tuyến điện đã ra quyết định xử phạt 4 trường hợp vi phạm quy định về sử dụng tần số, với số tiền phạt là 86 triệu đồng. Các Trung tâm quản lí tần số khu vực đã ra 130 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó xử phạt tiền 24 trường hợp với số tiền phạt gần 134 triệu đồng, phạt cảnh cáo 106 trường hợp.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, việc phát hiện và xử lí nguồn gây nhiễu tần số rất khó khăn và tốn kém do đó rất cần phải siết chặt quản lí việc sử dụng và lưu thông thiết bị thu phát sóng trên thị trường.

Có nhiều ý kiến đề nghị, để ngăn ngừa việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng sai quy định gây can nhiễu có hại, Bộ TT&TT cần tăng cường công tác tuyên truyền các quy định, pháp luật về tần số vô tuyến điện cho nhân dân. Đồng thời, phải tăng cường kiểm soát các thiết bị vô tuyến từ khâu sản xuất trong nước, đến các thiết bị nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)