Những trải nghiệm tệ hại của các BBer đều quy hết tội cho “dâu đen”, nhưng thực sự nguyên nhân lại hoàn toàn khác.
Trước tiên chúng ta cần làm rõ quan điểm về sản phẩm. Với 30 năm kinh nghiệm để làm nên một thương hiệu BlackBerry là không hề ngắn ngủi. Nhưng chính sự đồ sộ của RIM (Research In Motion – cha đẻ của BB) cũng là nguyên nhân khiến cho quá trình thay đổi và thích ứng bị chậm lại, không bắt kịp xu thế công nghệ.
Nếu bạn đang có trên tay một sản phẩm của BB như Z30, Z10, Q10, Z3, Q5,... thì trải nghiệm đầu tiên của bạn về sản phẩm chắc chắn sẽ là mọi thứ đều trơn mượt, thiết kế tinh tế, chắc chắn... như iPhone. Nhưng, vấn đề chính là ở chỗ nhưng, đã qua cái thời người dùng trông chờ tất cả vào hệ điều hành, họ cần một hệ sinh thái. Trong khi đó, BBOS chỉ có một hệ sinh thái còn khá nghèo nàn.
Tính tới thời điểm hiện tại, BBWorld – chợ ứng dụng của BB với hơn 130.000 ứng dụng thực sự không thấm vào đâu so với gần 1,2 triệu ứng dụng trên AppStore và 1 triệu ứng dụng trên Google Play. Để thu hút các lập trình viên viết ứng dụng cho mình, BB phải có số lượng thiết bị sử dụng BBOS “đủ lớn”, nhưng để có được nó hệ sinh thái của BB lại phải hấp dẫn và phong phú như hệ sinh thái của iOS hay Android. Giải quyết câu chuyện “con gà quả trứng” luôn nan giải và BB dường như đã chọn đúng hướng khi tung ra BBOS 10, cho phép người dùng có thể cài đặt trực tiếp ứng dụng Android (.apk) lên các thiết bị có BBOS 10.2 trở lên.
Từ BBOS 10.2.1055, Android Runtime phiên bản JellyBean 4.2.2 (trình biên dịch các ứng dụng Android) đã được chính thức đưa vào hệ điều hành này. Đây được xem như cánh cửa cho các ứng dụng Android dễ dàng lọt vào, giải tỏa “cơn khát” ứng dụng của các BBer, đồng thời nó cũng cho phép các lập trình viên Android tiếp tục viết phần mềm theo như cách mà họ đã làm từ trước đến nay, viết phần mềm có thể chạy trên nhiều loại CPU và thiết bị khác nhau, biên dịch lại sản phẩm thành các phiên bản dành riêng cho BBOS (native app). Theo giới phân tích, có thể gọi sách lược này là “Nhất tiễn hạ song điêu”.
Vậy là đã rõ, nếu bạn muốn sử dụng một chiếc điện thoại BB mạnh mẽ với các ứng dụng hoạt động trơn mượt, ổn định thì nên hạn chế tối đa việc cài các ứng dụng Android, thậm chí hãy trả những khoản phí nho nhỏ để mua các ứng dụng (native app) đang được bày bán trên chợ BBWorld như một hành động ủng hộ BB. Ngược lại, trong khi chờ đợi những ứng dụng viết riêng cho BBOS 10, bạn cũng vẫn có thể “vọc” ngay bằng việc cài các file .apk lên chiếc điện thoại BB của mình với một tinh thần không sợ nóng, không sợ lag, chỉ sợ force close.
Bởi lẽ, bản chất của các ứng dụng Adroid là luôn cần Android Runtime để biên dịch nó sang mã máy (native code) sao cho phù hợp với các chủng loại cấu hình phần cứng khác nhau. Và trên thực tế, các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android dù cấu hình cao tới đâu thì vẫn có hiện tượng các ứng dụng cài thêm “thiếu độ trơn mượt” khi so với iOS, BBOS cài native app.
Song hành với sự thiếu trơn mượt đương nhiên sẽ là “đốt” pin, nóng máy, lỗi tùm lum, văng đột ngột,... Đôi khi, BB còn phải gánh thêm “tội” khi người sử dụng ỷ vào máy có công nghệ màn hình Super AMOLED chống lóa nên dùng vô tư dưới ánh nắng mặt trời, máy có đến 4G nên mạng 3G có thể bật thoải mái, chui hầm bê tông vẫn xem phim, nghe nhạc, lướt net ầm ầm,... mà không hề quan tâm đến chuyện, cục gạch để ngoài nắng cũng còn nóng, rớt sóng hay sóng chập chờn thì không có loại điện thoại nào bật 3G mà không hao pin, sụt nguồn.
Ngoài ra còn vô vàn tình huống khác như nhiều ứng dụng chạy ngầm, máy ẩm tiếp xúc pin kém, máy dựng, pin nhái, sạc rởm,... phải gọi là “trăm dâu” mà bạn cần xem xét trước khi “đổ cả lên đầu dế”.
Theo Dân Việt.
Bình luận