Công nghệ Wi-Fi tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với các thiết bị di động, không dây khi nhu cầu về video và dữ liệu ngày càng tăng cao.
Thực tế, tác động của Wi-Fi sẽ còn đóng vai trò cốt yếu ít nhất là trong vài năm nữa.
Các chuẩn Wi-Fi mới dự kiến sẽ phổ biến trong vài tháng hoặc vài năm tới. Các chuẩn này thực sự mang lại cho Wi-Fi những “hương vị” mới, linh động hơn cho công việc cũng như cho nhiều ứng dụng. Ví dụ bất kì ai ngồi trong sân vận động cũng có thể truy cập được Wi-Fi hoặc có chuẩn Wi-Fi chỉ phát trong 1 phòng duy nhất, không vượt qua bức tường nhà bạn để hiển thị sóng ở nhà hàng xóm.
Wi-Fi sẽ được dùng với mạng di động cho các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị cầm tay khác cho gia đình và văn phòng, chứ không còn bị bó buộc như cách phát Wi-Fi hiện nay. Những công nghệ sắp đến sẽ hỗ trợ Wi-Fi tốt hơn cho những không gian công cộng như công viên, trung tâm mua sắm, các sân vận động thể thao…
Wi-Fi 802.11ax nổi lên
Hầu hết người dùng điện thoại thông minh đều quen với cách kết nối web thông qua các chuẩn Wi-Fi cũ, chậm như 802.11 a/b/g/n. Chuẩn 802.11ac nhanh hơn cũng đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ năm 2012. Chuẩn này theo đặc tả kĩ thuật, cho tốc độ đến 1,3Gbps, nhanh hơn 3 lần so với chuẩn 802.11n chỉ đạt 450 Mbps.
Nhưng trước khi thị trường chờ đợi làn sóng thứ 2 của các router chuẩn 802.11ac xuất hiện vào năm 2015 thì một chuẩn mới, 802.11ax, đang được IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers) cấp duyệt. Viện này vẫn còn đang định chuẩn và có thể đến năm 2019 mới chính thức thông qua.
Theo ông Greg Ennis, phó chủ tịch công nghệ ở hiệp hội Wi-Fi Alliance gồm hơn 600 công ty sản xuất thiết bị Wi-Fi, “Có nhiều hoạt động trong ngành nhằm xác định cơ chế cho 802.11ax, và các công nghệ liên quan nào sẽ được sử dụng với nó. Rất nhiều công ty quan tâm tới chuẩn Wi-Fi 802.11ax này.”
Trong khi các chuẩn Wi-Fi cũ hơn tập trung vào dung lượng truyền tải đến nhiều người dùng thì chuẩn 802.11ax sẽ tập trung vào tốc độ truyền dữ liệu thực đến mỗi một thiết bị, như điện thoại thông minh hay máy tính bảng. IEEE đang tìm cách cải thiện tốc độ lên gấp 4 lần so với các chuẩn Wi-Fi hiện nay. Trong khi IEEE vẫn chưa thực sự nói con số cụ thể gấp 4 lần nghĩa là bao nhiêu thì một điều chắc chắn là 802.11ax sẽ đạt trên 1Gpbs.
Trong khi đó, Huawei là công ty hiện đang đi đầu trong nhóm nghiên cứu 802.11ax tại IEEE, đã chạy thử nghiệm với chuẩn mới này, cho tốc độ đến 10,53 Gbps. Huawei sử dụng một công nghệ radio mới gọi là MIMO-OFDM trong thử nghiệm này. MIMO (multiple input-multiple output) sử dụng nhiều anten để gửi nhiều luồng dữ liệu qua mạng. OFDM (orthogonal frequency division multiplexing) sử dụng phần mềm để mã hoá và giải mã một tín hiệu ở 2 đầu kết nối. Từ “orthogonal” nghĩa là trực giao, thẳng góc, trong OFDM nghĩa là công nghệ tách tần số sẽ gửi các luồng dữ liệu thẳng góc tới mỗi thiết bị, và sau đó thu sóng và giải mã dữ liệu ở thiết bị nhận. Cách tiếp cận này hướng đến tìm một đường đi của sóng ít bị nhiễu nhất, đặc biệt là trong môi trường nhiều người như sân bay hay ngoài trời. Do vậy, chuẩn Wi-Fi 802.11ax thích hợp cho đám đông, là nơi có nhiều thiết bị cùng truy cập một mạng nhưng vẫn có được tốc độ truy cập internet tốt, ổn định.
Nhưng có vài báo cáo đề nghị 802.11ax sẽ dựa trên công nghệ MIMO-OFDM nhưng không phải đây là giải pháp duy nhất. Có một số công nghệ khác cũng sẽ cạnh tranh với MIMO-OFDM. Huawei sử dụng băng tần 5 GHz cũng không có nghĩa là 802.11ax sẽ sử dụng độc quyền băng tần này.
Chuẩn Wi-Fi khác cho không gian hẹp: 802.11ad hoặc WiGig
Trong khi 802.11ax thích hợp cho không gian đông người, với nhiều người dùng và chạy nhiều ứng dụng thì có một chuẩn đang nổi lên tại IEEE là 802.11ad, sử dụng băng tần 60 GHz.
802.11ad còn được biết với tên gọi WiGig, là chuẩn Wi-Fi tầm ngắn, phù hợp với 1 phòng, nhưng có tốc độ truyền nhanh, đến 7 Gbps. Chuẩn WiGig rất lí tưởng để dùng trong một phòng đơn trong căn hộ, ngăn được sóng rò rỉ sang các phòng hoặc căn hộ khác. Băng tần 60 GHz có tần sóng radio rất ngắn nên không dễ đi xuyên qua tường nhà được. IEEE hợp chuẩn 802.11ad hồi cuối năm 2012. Hiện cũng đã có vài sản phẩm thương mại như truyền video HD không dây từ đầu Blu-ray sang mi chiếu, như DVDO Air.
Wi-Fi Alliance vẫn đang phát triển quy trình xác thực WiGig riêng. Hiệp hội này sẽ công bố danh sách thiết bị hỗ trợ WiGig vào năm 2015.
Trong đầu tháng 7 này, Qualcomm công bố họ vừa mua lại Wilocity, là hãng sản xuất chip dựa trên WiGig. Qualcomm cho biết họ sẽ sử dụng công nghệ WiGig vào chip di động Snapdragon 810 64-bit mới. Điện thoại thông minh và máy tính bảng có WiGig sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2015. Điện thoại có chip WiGig có thể truyền video 4K lên màn hình lớn.
Wi-Fi cho từng mục đích
Với WiGig và 802.11ax đang dần dần phổ biến thì router và các thiết bị hỗ trợ 2 chuẩn mới này hứa hẹn sẽ mang cho người dùng tốc độ nhanh hơn, theo đúng cách mà người dùng muốn.
Không chuẩn nào trong 2 chuẩn trên hiện có trên thị trường, nhưng sản phẩm hỗ trợ chuẩn 802.11ac đã có cả năm nay, và dự kiến còn tồn tại trong vài năm tới. Do vậy, thay vì chờ đợi, nếu chính phủ hay tổ chức nào đó cần cung cấp dịch vụ Wi-Fi nơi công cộng thì vẫn có thể sử dụng chuẩn 802.11ac.
Tại Mỹ, các nhà mạng lớn như Verizon Wireless và AT&T đang lên kế hoạch cung cấp các mạng không dây cho băng thông lớn, thậm chí có thể liên kết các vùng phủ sóng Wi-Fi với mạng LTE.
Theo PC World VN. Nguồn Computerworld.
Bình luận