Bỏ học Harvard giữa chừng để lao vào kinh doanh phần mềm, từ đó kiếm được hàng tỷ USD... Con người ấy sẽ có ngày làm việc chính thức cuối cùng tại Microsoft vào ngày 27/6 tới.
Về cơ bản, khoảng trống do Bill Gates để lại sau khi ông "nghỉ hưu" sẽ được 3 nhân vật chia nhau san sẻ. Trong đó, vị trí quan trọng nhất - Kiến trúc sư trưởng phần mềm đã được chuyển giao cho Ray Ozzie.
Đây là một sự kế nhiệm xứng đáng, bởi Ozzie không chỉ nhận được sự nể phục của các nhân viên dưới quyền, mà còn được giới chuyên môn đánh giá rất cao về trình độ cũng như kinh nghiệm.
Cùng lúc, trọng trách Nghiên cứu và hoạch định chiến lược tại Microsoft sẽ do Craig Mundie đảm đương, còn Steve Ballmer, "cựu bạn học Harvard" của Gates sẽ vẫn là Giám đốc điều hành của gã khổng lồ xứ Redmond.
Không quá thay đổi?
Chỉ mới theo học Harvard được 2 năm, Gates đã có một quyết định hết sức táo bạo và liều lĩnh: Bỏ học để sáng lập ra hãng phần mềm Microsoft.
Giờ đây, ai ai cũng đã biết đến quyền lực của đế chế Microsoft, nhưng ở thời điểm ấy, 10 người thì có tới 9 người bảo Gates là kẻ "điên rồ".
Sau khi nghỉ hưu, Gates sẽ vẫn là Chủ tịch Hội Đồng quản trị Microsoft, kiêm cổ đông lớn nhất của hãng.
Tuy nhiên, phần lớn thời gian sẽ được ông dành cho các chương trình từ thiện của quỹ Bill and Melinda Gates.
"Tôi không nghĩ mọi thứ sẽ quá thay đổi khi ông ấy rời đi", chuyên gia Matt Rosoff của hãng phân tích Directions on Microsoft nhận định.
"Nếu Gates nghĩ việc này, việc kia là quan trọng, ông ấy sẽ ngay lập tức trao đổi với Ballmer. Và như thường lệ, Ballmer sẽ lại lắng nghe chăm chú".
Mặc dù vậy, cặp kính và nụ cười của Gates đã trở thành một phần không thể tách rời khỏi hình ảnh của Microsoft, nên chắc chắn sự ra đi của ông cũng "mang tính biểu tượng".
Hay lạc lối?
"Thách thức lớn nhất mà Microsoft phải đối mặt khi "cha đẻ" của nó rời đi là luôn nhớ và gắn bó với cội rễ của mình", nhà phân tích Rob Enderle của Enderle Group bình luận.
"Microsoft cần nhớ rõ điều cốt yếu nào đã làm nên thành công của Bill Gates và họ phải bảo tồn bằng được giá trị đó.
Dù là một cá nhân hay một công ty, một khi đã mất đi trái tim của mình - bạn sẽ chỉ còn là cái xác không hồn mà thôi".
Một số chuyên gia còn quả quyết rằng: Đã có những dấu hiệu cho thấy Microsoft "bắt đầu lao đao" kể từ khi Gates rút dần khỏi các hoạt động lãnh đạo cách đây vài năm.
Microsoft đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, trong khi các phiên bản Windows và Office mới đều không được chào đón hồ hởi như trước đây.
Cụ thể, chính thức đến tay người dùng từ tháng 1 năm ngoái, nhưng mãi tới nay, Windows Vista vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu hờ hững, không thì cũng là sự tiếp nhận một cách gượng ép, miễn cưỡng.
Rất nhiều người thậm chí đã chọn cách "hạ cấp" xuống xài hệ điều hành cũ Windows XP, dù có phải bỏ thêm tiền.
"Microsoft đang gặp rắc rối trong kinh doanh phần mềm desktop. Đây vốn là xuất phát điểm của họ, vậy mà bỗng dưng nó lại yếu đi trông thấy", ông Enderle nói.
Dấu chấm hết?
Microsoft càng có lý do để lo ngại, khi mà thương hiệu máy tính Macintosh của Apple ngày một thịnh hành.
Mặc dù Windows vẫn điều khiển tới 90% lượng máy tính cá nhân của toàn thế giới, song máy tính Mac cũng đã kiểm soát được hơn 5% thị phần - một bước tiến thần tốc.
Ở một góc khác, gã khổng lồ phần mềm lại phải điên đầu đối phó với Google. Gã khổng lồ tìm kiếm không ngần ngại tặng không người dùng nhiều ứng dụng phần mềm miễn phí để cạnh tranh với Office, một trong hai cần câu cơm chủ lực của Microsoft.
Mới đây nhất, kế hoạch mua lại Yahoo để tạo thành "siêu liên minh" thách thức Google trên địa hạt quảng cáo và tìm kiếm trực tuyến của Microsoft cũng thất bại, mà kẻ phá bĩnh, không ai khác, chính là Google.
Theo lời Enderle, ông không hề nhận thấy dấu ấn của Gates trong toàn bộ thương vụ Micro-hoo. Thậm chí, nhiều khả năng Gates còn nằm trong số những người ủng hộ cho ý kiến chấm dứt đàm phán sáp nhập.
"Microsoft cần phải cân đối lại sức mạnh của mình. Có vẻ như thiếu Gates, hãng đang hơi mất phương hướng. Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là xác định lại hướng đi đúng và tăng tốc", ông Enderle tư vấn.
Hiện tại, bộ phận máy chủ và công cụ đang đóng góp nhiều lợi nhuận nhất cho hãng. Ở thái cực đối lập, bộ phận giải trí (nơi bán máy chơi game Xbox và phần mềm game) lại đang thua lỗ.
"Tôi tin chắc Microsoft sẽ chới với sau khi Gates nghỉ hưu. Với Microsoft, Gates nắm giữ một vai trò không thể thay thế được.
Ở rất nhiều công ty khác, khoảng trống do ông để lại có thể đồng nghĩa với một dấu chấm hết".
(Theo Vietnamnet/AFP)
Bình luận