Hai nhà nghiên cứu hành vi rút ra kết luận: càng dùng Facebook lâu, tâm trạng càng tệ hơn. Nguyên nhân của tâm lí này là Facebook khiến người dùng cảm thấy như đang lãng phí cả cuộc sống của mình.

Đồng tác giả nghiên cứu, Christina Sagioglou và Tobias Greitemeyer của Đại học Innsbruck (Áo), viết: “Rõ ràng so với duyệt Internet, Facebook bị xem là ít ý nghĩa hơn, ít hữu ích hơn, tốn thời gian hơn, khiến tâm trạng đi xuống”. Báo cáo của họ vừa được xuất bản trong tạp chí Computers in Human Behavior.

Kết quả của nghiên cứu đi ngược lại với những gì Facebook vừa khẳng định gần đây qua thí nghiệm gây tranh cãi, trong đó hàng trăm nghìn người dùng bị lợi dụng mà không hề hay biết. Facebook cho rằng một người có thể cảm thấy khá hơn nếu không nhìn thấy các bài đăng có nội dung tiêu cực.

Thay vào đó, hai nhà nghiên cứu của Áo lại phát hiện chúng ta sẽ chán đời bất kì lúc nào dùng Facebook, dù có xem được thông tin vui vẻ hay ảo não. Họ hỏi người tham gia thí nghiệm về lượng thời gian trên Facebook trong ngày rồi đo lường tâm trạng của họ.

Thí nghiệm thứ hai áp dụng với đối tượng khác hoàn toàn, chia thành ba nhóm: một nhóm được yêu cầu dành 20 phút để đăng status, chat với bạn bè hay xem News Feed trong khi nhóm còn lại cũng dùng thời gian tương tự để duyệt web mà không ghé thăm trang mạng xã hội nào. Nhóm thứ ba làm mọi thứ tùy thích, không theo hướng dẫn nào cả. Sau cùng, mọi người nói lên “ý nghĩa” của 20 phút vừa qua.

Hai thí nghiệm độc lập này đều có chung kết luận: mọi người cảm thấy tồi tệ hơn khi dùng Facebook vì họ tin rằng mình không biết quý trọng thời gian. Như vậy, nghiên cứu này chung quan điểm với hàng loạt nghiên cứu trước đó khi nhấn mạnh Facebook tăng cảm giác trầm cảm, cô đơn và ghen tị.

Nếu Facebook tiêu cực như vậy, tại sao chúng ta còn sử dụng nó? Thí nghiệm thứ ba của hai tác giả đưa ra nguyên nhân: họ hi vọng sẽ cảm thấy tốt hơn nếu dành 20 phút để dùng Facebook song thực tế lại ngược lại. Đây là tâm lí chung của tất cả mọi người.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi thứ trên Facebook đều xấu xa. Ít nhất, theo Sagioglou và Greitemeyer, chat với bạn bè hoặc dùng mạng xã hội để lập kế hoạch thực sự làm tâm trạng người dùng tốt hơn.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)