Đây thực sự là một tin xấu cho người dùng laptop Windows đang sử dụng trình duyệt Chrome. Tuy nhiên, theo Forbes, tình trạng này không xảy ra nếu người dùng sử dụng các trình duyệt khác như Firefox hay Internet Explorer. Và người dùng MAC kết hợp với trình duyệt Chrome cũng không bị tình trạng này.

Theo những thông tin được đăng tải, có thể kết luận nguyên nhân chính khiến Chrome ngốn pin trên laptop chạy Windows là tính năng “system clock tick rate” tạm dịch chu kì đánh thức BXL của hệ thống. Trong các phiên bản hệ điều hành như Windows, chuỗi các sự kiện khác nhau luôn được cài đặt thực hiện theo một chu kì nhất định. Để tiết kiệm năng lượng, các BXL sẽ được đưa vào trạng thái ngủ và được đánh thức theo một khoảng thời gian định trước, là con số được gán trong “system clock tick rate”.

Trình duyệt Chrome mỗi khi được khởi chạy sẽ cài đặt khoảng thời gian định trước này ở mức 1000 ms. Trong khi đó, con số này mặc định trên Windows lại được ấn định giá trị 15.625 ms. Nói một cách cụ thể hơn trong một giây BXL được trình duyệt Chrome đánh thức đến 1000 lần. Mặc định, Windows chỉ đánh thức BXL 64 lần mỗi giây. Chính sự chênh lệch trong việc điều chỉnh thời gian đánh thức bộ xử lí đã khiến Chrome gây hao pin laptop hơn do CPU phải hoạt động với tần suất cao hơn.

Theo Microsoft, chu kì đánh thức BXL ở mức 1000 ms trên trình duyệt Chrome sẽ gia tăng mức tiêu hao năng lượng lên thêm 25%. Với các trình duyệt khác như Internet Explorer, chu kì đánh thức BXL được giữ nguyên ở mức 15.625 ms nếu như trình duyệt không được yêu cầu phải thay đổi. Ví dụ như khi người dùng xem video trên Youtube, trình duyệt IE sẽ giảm thời gian đánh thức BXL xuống chỉ còn 100 ms. Song, nếu người dùng đóng thẻ trình chiếu video trên Youtube này lại, chu kì đánh thức sẽ lại được trả về giá trị mặc định 15.625 ms. Nhưng với Chrome, chu kì đánh thức BXL sẽ ngay lập tức được tăng lên khi người dùng mở trình duyệt và tiếp tục giữ mức cao cho đến khi người dùng đóng trình duyệt hoàn toàn.

May mắn là lỗi ngốn pin này không hề tồn tại trên trình duyệt Mozilla Firefox cũng như trên nền tảng HĐH Mac hay Linux. Hiện tại, Google đã xác nhận tình trạng lỗi này, nhưng chưa đưa ra cách khắc phục cụ thể.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)