Khách hàng dùng thử sản phẩm tại một cửa hàng Apple, Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc, miền đất hứa…

Trung Quốc từ lâu được xem là thị trường quan trọng với bất kì hãng thiết bị nào. Ngoài việc là thị trường di động lớn nhất, nơi này còn chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong lượng xuất xưởng smartphone. Theo hãng nghiên cứu IDC, tỉ lệ tăng trưởng 31% trong quý I/2014 tại đây dù đã chậm lại song vẫn đánh bại các thị trường phát triển, lớn gấp 6 lần Ấn Độ.

Tuy nhiên, quy mô lớn đồng nghĩa với bất kì thay đổi nào dù là nhỏ nhất trong chính sách hay cầu người dùng cũng có thể ảnh hưởng đến thu nhập của các công ty. Tuần trước, Samsung báo cáo kết quả kinh doanh quý giảm thứ ba liên tiếp, trong đó chỉ rõ nguyên nhân là do nhu cầu mua smartphone tại Trung Quốc khá yếu.

Apple và Samsung vẫn có lợi thế hơn các hãng điện thoại nội địa khi bắt kịp công nghệ 4G nhanh chóng. Việc triển khai 4G tại Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy doanh số thiết bị cao cấp hỗ trợ mạng này.

Smartphone của Apple hay Samsung được người dùng Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng. Samsung nắm thị phần lớn nhất, còn Apple ở vị trí thứ 5 sau Xiaomi, vẫn theo số liệu từ IDC. Apple luôn xem thị trường này là quân bài chiến lược và vừa mở cửa hàng Apple Store thứ 10 tại đây. Trong khi đó, Samsung tỏ rõ quyết tâm thay đổi hình ảnh tại Trung Quốc với một loạt chiến dịch quảng cáo mới mẻ.

… hay mảnh đất dữ?

Trong công cuộc lật đổ Samsung và Apple tại quốc gia đông dân nhất thế giới, các hãng điện thoại Trung Quốc dường như đã có được “ông bạn” đầy quyền lực trong chính phủ. Một số động thái trong năm qua đang giúp thúc đẩy các công ty nội địa “dày xéo” ông lớn ngoại quốc như Apple, Samsung.

Theo ông Lee Jin Woo, Giám đốc quỹ tại hãng tư vấn KTB, chính phủ Trung Quốc đang cố dẫn người dùng đến với các công ty nội địa. Họ biết rằng cần nuôi nấng doanh nghiệp địa phương để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Tại Mỹ, các nhà mạng trợ giá đáng kể cho thiết bị để kích thích tiêu dùng. Mô hình này đang dần trở nên phổ biến tại một số thành phố Trung Quốc. Nhưng chính phủ yêu cầu ba nhà mạng nước này giảm chi phí trợ giá và quảng cáo cho thiết bị như iPhone, tổng cộng khoảng 6,4 tỉ USD trong 3 năm tới.

Điều đó sẽ giúp làm lợi cho Lenovo, Coolpad, Huawei, những công ty đang theo đuổi các sản phẩm giá rẻ, lợi nhuận thấp để đổi lấy thị phần. Xiaomi bán thiết bị cao cấp với mức giá trung bình và bù đắp bằng cách bán dịch vụ trên điện thoại. Chiến dịch tiếp thị của “Apple Trung Quốc” hoàn toàn diễn ra trên mạng và qua truyền miệng.

Có lẽ, các công ty ngoại muốn làm nhiều hơn để chống trả lại sự hăm dọa từ các hãng thông tấn quốc gia. Trong chương trình về quyền tiêu dùng thường niên của CCTV năm 2013, đài này chỉ trích chính sách hậu mãi và bảo hành của Apple tại Trung Quốc. People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp nối bằng loạt bài, trong đó có cả bài bình luận có tên “Destroy Apple’s Incomparable Arrogance” (tạm dịch: Dập tắt sự ngạo mạn có một không hai của Apple). Gần như ngay lập tức, Tổng Giám đốc Tim Cook phải phát đi lời xin lỗitrên website và đề nghị thay thế hoàn toàn các iPhone đời cũ gặp sự cố.

Vài tháng sau, CCTV lại truy đuổi Samsung. Lần này, đài khẳng định “át chủ bài” Galaxy S và Note bị lỗi khoảng 30 lần/ngày vì chip nhớ. Chương trình dẫn lời của một thợ sửa điện thoại không rõ tên tuổi. Các vấn đề tương tự hoàn toàn quen thuộc với điện thoại giá rẻ Trung Quốc, song CCTV dường như chỉ có thời gian để mắt đến Samsung. Khỏi phải nói, Samsung cũng phải đưa ra lời xin lỗi và hứa bảo trì miễn phí các điện thoại hỏng hóc.

Tuần trước, CCTV lại quay lại với đối tượng ưa thích là Apple. Đài truyền hình tố cáo tính năng trong iPhone theo dõi vị trí của người dùng, là mối đe dọa an ninh quốc gia. Apple phản bác lại cáo buộc này. Tháng 6/2014, bài bình luận trên tiểu blog của nhật báo People’s Daily khẳng định Apple, Microsoft, Google và Facebook hợp tác trong chương trình tối mật của Mỹ để gián điệp Trung Quốc.

Con đường gập ghềnh tại Trung Quốc không chỉ gói gọn trong ngành di động mà còn mở rộng sang các hãng Internet như Google, Facebook. Theo hãng tin Yonhap News, đầu tháng 7/2014, Trung Quốc bắt đầu chặn một vài ứng dụng nhắn tin ngoại lai như KakaoTalk và Line. Đất nước này cũng không tỏ ra là chủ nhà hiếu khách đối với Amazon hay các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài khác.

Trong khi đó, Alibaba, sàn giao dịch điện tử lớn nhất Trung Quốc, sắp sửa lên sàn tại Mỹ. Tiếp đến, rất có thể là Xiaomi.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)