Chính vì thế, ở giải RoboCup gần nhất, giải đấu của các cầu thủ-robot quy mô thế giới vừa khai mạc ngày 19/7 tại Joao Pessoa, thành phố cực Đông Brazil, một câu hỏi được rất nhiều người tò mò đặt ra: khi nào thì những cỗ máy sẽ thực sự chinh phục môn thể thao vua?
Mục tiêu năm 2050
Khi giải RoboCup được tổ chức lần đầu, năm 1997, những người sáng lập đặt mục tiêu tới năm 2050, các kĩ sư có thể chế tạo ra những robot với hình dạng con người đủ sức cạnh tranh với các siêu sao túc cầu. Dựa trên sự vụng về và khả năng tư duy còn khá thấp kém của các cầu thủ RoboCup ở giải gần nhất, mục tiêu đó có vẻ quá xa vời.
Nhưng giống như trong nhiều lĩnh vực công nghệ, con người có thể đánh giá quá thấp việc robot có thể phát triển nhanh ra sao. Những chiếc xe hơi tự lái và máy bay không người lái để giao hàng, một thập kỉ trước còn là chuyện viễn tưởng, thì ngày nay đã là các dự án kinh doanh nghiêm túc.
So sánh với những khoản đầu tư của các tập đoàn đại gia như Google cho các sản phẩm như xe hơi tự lái, các đội bóng tham dự RoboCup năm nay, hơn 150 đội, chỉ có ngân sách rất hạn hẹp. Nhưng giải đấu vẫn mang lại nhiều gợi ý mà những nhà tổ chức hi vọng sẽ giúp tăng tốc sáng tạo và thu hút thêm đầu tư.
Một trong số đó là sự kết hợp thông minh giữa cạnh tranh và hợp tác. Cho tới vòng play-off, các đội chuẩn bị cho những chiến lược mới và cải thiện phần cứng cũng như phần mềm của họ một cách bí mật. Nhưng ngay sau trận chung kết, tất cả các đội tham gia sẽ phải công khai toàn bộ thiết kế và cách chế tạo của họ, để vào giải lần sau, qua đó nâng cao tiêu chuẩn cho tất cả các đội tham dự giải lần sau.
Một đặc điểm khác là có những hạn chế đối với việc các đội được phép phát triển phần cứng tới đâu, nhằm khuyến khích họ phát triển các định hướng thông minh để tìm kiếm chiến thắng, thay vì chỉ “lấy thịt đè người”.
Năm nay, RoboCup cũng được điều chỉnh không chỉ là một giải đấu, mà là nhiều giải tiến hành song song. Các giải bao gồm từ những cuộc thi đấu của các cỗ máy còn thô sơ, chạy pin và có bánh lăn như kiểu nhân vật R2-D2 trong phim “Star Wars”, trong đó cả đội chỉ do một máy tính điều khiển, cho tới những giải với các robot có thiết kế rất giống người, đầy đủ tay chân, giống như bạn đồng hành trung thành của R2-D2, C-3PO.
Ở giải đấu mà robot giống người, lại được chia làm ba hạng, trẻ nhỏ, “teen” và trưởng thành, mỗi con robot được lập trình và có các thiết bị cảm ứng riêng, kèm theo một phần mềm thông minh nhân tạo.
Hơn thế nữa, với những nhà chế tạo không kiếm được silicon và kim loại tổng hợp, có một giải riêng giành cho các cuộc đấu phần mềm. Sự cạnh tranh ở đó là nhằm cải thiện khả năng tư duy, tốc độ xử lí và lên kế hoạch cho trận đấu của các robot, mà chưa phải bận tâm nhiều tới việc sẽ thiết kế và lắp đặt các phần mềm đó vào phần cứng như thế nào. Còn có cả một giải trẻ cho những cậu học trò mê công nghệ và robot, nhiều người trong số đó chắc chắn sẽ tham gia giải RoboCup chính thức khi lên đại học.
Sẽ còn có cả trọng tài Robot
Để hiểu được nghệ thuật thật sự của robot đá bóng, bạn cần phải vào tận trong phòng thí nghiệm. Tuần trước, trong một căn phòng không cửa sổ, Joydeep Biswas của Đại học Canergie Mellon và các đồng nghiệp tiến hành những thay đổi cuối cùng với đội bóng của họ, sẽ tranh tài ở các giải hạng thấp.
Với các robot ở hạng “giống người” còn khá vụng về và dễ mắc lỗi, sự chính xác và tốc độ của các giải thấp là rất đáng kinh ngạc. Những cầu thủ cơ điện tử có thể sút quả bóng màu cam với tốc độ 8 mét/giây (một đường chuyền tốt điển hình ở các sân bóng đá thật có tốc độ gấp đôi như thế). Thật ra, những cầu thủ-robot hoàn toàn có thể đưa bóng đi nhanh hơn tốc độ đó nếu không có những quy định về kiểm soát phần cứng hạn chế tốc độ tối đa như đã nêu.
Biswas đang làm việc cho Manuela Veloso, một trong những người sáng lập RoboCup và cũng là người chế tạo giành nhiều chức vô địch nhất ở giải nhỏ. Năm 2009, tiến sĩ Veloso và các đồng nghiệp quyết định chia sẻ với đối thủ phần mềm đã giúp họ giành các danh hiệu liên tiếp ở RoboCup. Chính từ đó, quy định về mở nguồn mở sau mỗi giải RoboCup được hình thành.
“Trong vài năm qua”, tiến sĩ Veloso nói. “Một trong những thay đổi lớn nhất là chúng tôi bắt đầu thực sự phân tích chiến thuật và chiến lược của bóng đá thật, để thay đổi các thiết kế của chúng tôi”. Một nghiên cứu vừa đăng của bà giải thích một đội bóng robot có thể khai thác các lỗ hổng trong hàng thủ đối phương, lôi kéo các hậu vệ đối phương ra khỏi vị trí an toàn ra sao. Cách tiếp cận này, “pressing và khai thác khoảng trống”, là chiến thuật vào loại phổ biến nhất trong các sách giáo khoa bóng đá chuyên nghiệp hiện nay.
Những nghiên cứu khác cũng tinh tế không kém, với các nhóm từ Australia, Trung Quốc, Iran và Thái Lan, cùng nhiều nước khác, thường xếp cao ở các giải đấu này, trái với thành tích của họ trong bóng đá thật. Vào những năm đầu của RoboCup, khác biệt giữa các đội là rất lớn, nhưng giờ thì không như thế nữa.
Những trận hay nhất ở giải nhỏ thường kết thúc sau 10 phút thi đấu với tỉ số tương đương các trận hấp dẫn ở thế giới thực. Đội bóng của tiến sĩ Veloso về thứ hai ở giải năm 2013, sau loạt sút luân lưu và hòa 2-2 trong hai hiệp chính.
Và không chỉ có các cầu thủ là robot. Tiến sĩ Veloso và nhóm của bà đang phát triển cả các trọng tài-robot, những vị vua áo đen chắc chắn sẽ không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và các yếu tố sân nhà-sân khách như những trọng tài-con người.
Theo Bóng Đá Plus.
Bình luận