“Tôi cảm thấy hài lòng với vị trí hiện tại của BlackBerry, với cách mà chúng tôi đang làm chủ công nghệ, và hoạt động kinh doanh, lợi nhuận, kênh phân phối, và cả các sản phẩm mới sắp sửa ra mắt”, ông Chen trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg Television. “Tuy vậy, liệu BlackBerry có đủ sức lớn mạnh để một lần nữa trở thành biểu tượng không thì đó cũng là điều mà tôi đang đặt dấu hỏi. Tôi chưa biết câu trả lời sẽ là như thế nào”.
Nhà sản xuất điện thoại BlackBerry (trước đó nổi tiếng với tên gọi là Research In Motion - RIM), một thời đình đám với giới yêu công nghệ. Điện thoại BlackBerry từng được xem như là thiết bị “gây nghiện” nhưng thời thế thay đổi, BlackBerry đã lùi bước trong cuộc đua với các thiết bị thế hệ mới, đặc biệt với sự xuất hiện của iPhone. Theo dự đoán của IDC hồi tháng 5, doanh số toàn cầu của BlackBerry được dự đoán sẽ giảm khoảng 50% trong năm nay, xuống còn 9,7 triệu chiếc.
Ông Chen cho biết hiện tại BlackBerry không tính đến kế hoạch thương vụ thâu tóm nào. Hãng sẽ tập trung bắt tay với các đối tác cung cấp dịch vụ và phần mềm để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh một cách độc lập. Người đang tìm cơ hội “đổi đời” cho BlackBerry tỏ ra lạc quan, và cho rằng cơ hội thành công của hãng sẽ là “lớn hơn 80/20”.
Kể từ khi đảm trách cương vị người chèo lái con thuyền đến từ xứ Waterloo, Ontario, Canada, ông Chen đã giành được sự tin tưởng từ giới đầu tư với chiến lược “lội ngược dòng” bằng cách cắt giảm chi phí, bán bất động sản tại Canada, và tăng doanh thu từ việc kinh doanh dịch vụ doanh nghiệp, và dịch vụ nhắn tin BBM để bù lại nguồn thu do doanh số smartphone giảm mạnh.
Cơ hội phục hồi vị trí của BlackBerry trên thị trường doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức sau khi Apple và IBM tuyên bố bắt tay hợp tác. Hai ông lớn đến từ Mỹ hứa hẹn sẽ tạo ra một thương vụ bắt tay lịch sự nhằm đưa iPhone và iPad tới gần hơn với các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp. Đây cũng chính là chiến lược của CEO BlackBerry khi ông quyết định chuyển dịch doanh số smartphone sang tập trung vào các dịch vụ phần mềm dành cho doanh nghiệp, nhằm tăng thêm lợi nhuận.
Trước khi Apple và IBM tuyên bố hợp tác, cổ phiếu BlackBerry, tăng 52% trong năm nay. Tuy nhiên, cái bắt tay của hai ông lớn đã khiến giá cổ phiếu của BlackBerry giảm 12% chỉ sau 1 ngày. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay tại Mỹ, giá cổ phiếu của hãng này giảm 3,1%, còn 9,95 USD.
Dù vậy, BlackBerry vẫn hi vọng đến tháng 3/2016 sẽ phục hồi lợi nhuận như trước đây.
Theo Dân Trí.
Bình luận