Mạ vàng chống bức xạ
Thị trường miếng dán chống bức xạ với đủ loại, nguồn gốc khác nhau được quảng cáo nhan nhản, kiểu như: "Nhập khẩu từ Hàn Quốc, miếng dán điện thoại được mạ vàng 24k đẹp óng ánh không chỉ là vật trang trí xinh xắn cho dế yêu mà còn giúp bạn bảo vệ sức khoẻ với chức năng giảm sóng điện từ. Dán lên điện thoại di động, điện thoại bàn, máy chụp hình, máy MP3, MP4, máy tính, laptop,...
Theo quảng cáo thì miếng dán bao gồm 4 lớp là bọc ngoài, mạ vàng 24k, niken và keo dính. Chỉ cần lấy miếng dán ra, bóc lớp nilon bên dưới, lau sạch màn hình và dán lên. Sau khi dán xong, bóc nốt lớp nilon bảo vệ bên trên.
Đặc biệt, theo quảng cáo, có thể dán nó lên những điểm được cho là nơi phát ra sóng điện từ. Chẳng hạn, việc dán lên các ăng ten của điện thoại có thể làm giảm hơn 90% các tổn thương bức xạ. Cách khác là dán lên pin của điện thoại di động để giảm khoảng 70% các tổn thương bức xạ và phục hồi dung lượng pin, kéo dài thời gian chờ 0,5 - 2 lần và tiết kiệm 50% thời gian sạc pin.
Khi được hỏi về nguồn gốc của những tấm dán này, anh Trần Văn Phú (chủ một cửa hàng dán điện thoại di động trên phố Dương Quảng Hàm, Hà Nội) cho biết, đây đều là hàng nhập khẩu chứ không phải hàng tự sản xuất. Giá mỗi miếng dán khoảng 20.000 đồng tùy thuộc vào kích cỡ màn hình. Theo anh, các sản phẩm đều được chứng nhận chất lượng.
Không có loại miếng dán thần kì
PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, nguyên Trưởng khoa Điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay, trên thế giới thì miếng dán chống bức xạ không phải nghiên cứu mới. Người ta đã sử dụng nó trong lĩnh vực quân sự. Nhưng ở góc độ là sản phẩm phổ thông, thương mại hóa thì ngay cả những nước có nền khoa học phát triển nhất cũng chưa thấy dùng.
Vậy thì những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ kia liệu có tác dụng thật hay không? Nếu những vật liệu này có thể hấp thụ sóng bức xạ thì hẳn là các hãng sản xuất điện thoại, máy tính đã sử dụng nó để đảm bảo sức khoẻ của người sử dụng rồi.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, phạm vi bức xạ của trường điện từ phát ra từ những thiết bị điện tử gần hay xa phụ thuộc vào tần số phát. Ví dụ như điện thoại di động, bức xạ phát ra hình cầu nên tính từ tâm điện thoại, bức xạ sẽ tỏa trong khoảng cách 1,1 m. Lượng bức xạ phát ra khi tiến hành cuộc gọi và nghe chênh nhau không đáng kể ở những chiếc điện thoại đời khác nhau. Thông số kĩ thuật đo được tính bằng từ trường và điện trường.
Rõ ràng bức xạ không nằm ngay trên chiếc điện thoại mà phát ra từ các bước sóng này. Bức xạ điện thoại phụ thuộc vào tần số của sóng. Giả sử miếng dán này có thể hấp thụ được sóng thì khi đó, điện thoại sẽ không thể liên lạc được.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kĩ thuật Quân sự cho biết, những tác hại của sóng điện từ đến sức khoẻ con người rõ ràng là có, kể cả ở những chiếc điện thoại thông thường, rẻ tiền. Miếng dán không thể hạn chế được bức xạ sóng điện thoại và cũng không một vật liệu nào có thể làm được điều này. Để sản xuất ra công nghệ này đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền, nên khó mà có mức giá đó cho một tính năng thần kì như vậy.
Để hạn chế bớt ảnh hưởng của sóng điện thoại, nên dùng tai nghe (kể cả có dây hay không dây) vì tai nghe phát xạ ít hơn bản thân chiếc điện thoại. Không áp điện thoại vào cơ thể. Khi đàm thoại, để điện thoại cách cơ thể càng xa càng tốt. Tắt điện thoại khi không sử dụng như khi đi ngủ, hoặc tắt sóng di động trên điện thoại.
"Việc sử dụng các miếng dán trôi nổi không rõ nguồn gốc còn có thể gây ra nguy hiểm cho người sử dụng. Ví dụ như nếu dán miếng dán lên pin sẽ làm nóng chảy pin, đàm thoại trong thời gian dài thậm chí còn dẫn đến nổ pin, nguy hiểm đến tính mạng", PGS.TS Nguyễn Quốc Trung nói thêm.
Theo Kienthuc.
Bình luận