Kể từ khi xuất hiện tới nay, Facebook đã thay đổi rất nhiều. Tôi còn nhờ thời gian đầu khi mạng xã hội này du nhập vào Việt Nam, người dùng trong nước khi đó có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bạn có thể tìm được bất kì thông tin hữu ích nào từ nó, họ chia sẻ đam mê, chia sẻ những kinh nghiệm, gắn kết với nhau tạo thành một cộng đồng.

Qua thời gian, Facebook dần phát triển và chạy theo xu hướng, lượng người dùng của mạng xã hội này bỗng tăng chóng mặt. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm người quen không gặp tới hàng năm trời hay "book" một buổi nhậu nhẹt chỉ trong nháy mắt với lũ bạn. Đây cũng là kênh thông tin được ví "nhanh hơn điện", bất kể từ tin bà bán trà đá ngoài vỉa hè nhặt được vàng hay chiến tranh thế giới, mọi thứ đều ồ ạt đăng tải trên Facebook.

Tuy nhiên sự phát triển của nó kéo theo rất nhiều hệ lụy, dần dần họ khoe đủ mọi thứ trên trời dưới biển lên trang cá nhân, thậm chí coi đây là kênh để nổi tiếng nhanh nhất, dù cách khiến họ được nhiều người biết tới không hay chút nào. Nếu ngồi ngẫm lại, có lẽ bạn cũng giống tôi, cho rằng Facebook như "bãi rác", nơi mọi người vứt đủ mọi thứ lên mà không hề chọn lọc.

Không dừng lại ở đó, Facebook khiến chúng ta lầm tưởng thành viên chính là "thượng đế", là khách hàng của họ. Nhưng trên thực tế khách hàng của mạng xã hội này là những người mua quảng cáo, những người chịu trả tiền và Facebook dùng thông tin cá nhân của thành viên để đổi lấy số tiền trên.

Một bài viết rất hay nói về việc từ bỏ Facebook đã xuất hiện trên mạng xã hội LinkedIn vào cuối tháng 7 vừa qua, và nhanh chóng thu hút tới hơn nửa triệu lượt đọc, hơn 10.000 lượt chia sẻ chỉ sau đúng một tuần đăng tải. Xin nói thêm là bài viết này chỉ là quan điểm cá nhân và nhận rất nhiều quan điểm trái chiều. Trích dẫn phía dưới.

Tác giả của bài viết là Chris Chan, một chuyên gia tư vấn khách hàng của Công ty phần mềm Inova Software. Bài viết chỉ ra những tác hại khôn lường mà Facebook có thể gây ảnh hưởng cho chúng ta.Ông cho biết mình sử dụng mạng xã hội này từ rất sớm và từng rất thích nó, tuy nhiên hiện tại thì không, "nó sẽ không thể tuyệt vời như trước đây được nữa".

Đây là một góc nhìn hay về mạng xã hội lớn nhất thế giới, tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta, nếu đã và đang dùng Facebook đều nên đọc. Tôi sẽ không bỏ Facebook, ít nhất là trong thời gian ngắn tới. Họ cung cấp cho chúng ta chức năng Follow và Unfollow, hãy sử dụng chúng một cách triệt để, tránh lãng phí thời gian vào những thông tin không cần thiết mà ngày ngày người dùng chia sẻ.

Facebook đã từng là một công cụ tuyệt vời. Thật đáng buồn, nó không còn tuyệt vời như trước và sẽ không bao giờ có thể tuyệt vời được nữa. Trong những người bạn của mình, tôi là người đầu tiên tạo tài khoản Facebook hồi năm 2007, khi mà trào lưu dùng mạng xã hội mới bắt đầu manh nha. Tôi đã dùng Facebook để kết nối với bạn bè, họ hàng, bạn học cũ,… bị mất liên lạc từ rất lâu rồi. Sức mạnh của Facebook thể hiện rõ nhất ở khi bạn tìm lại được một người bạn cũ. Nó là một công cụ tuyệt vời bởi vì nhờ có Facebook mà tôi đã có thể tổ chức được khá nhiều các cuộc hội ngộ và tụ tập. Tôi dùng nó hàng ngày, hàng giờ… một cách đều đặn. Bạn có thể cảm thấy tức giận và khó chịu khi Facebook coi cảm xúc của người dùng như một phần trong chương trình thử nghiệm của họ. Nhưng, bạn không nên ngạc nhiên.

Dần dần, Facebook thay đổi mục tiêu ban đầu. Mọi người bắt đầu chia sẻ hàng núi ảnh, từ ảnh một đứa bé đầy tháng, những địa điểm đi nghỉ thú vị, những thứ đồ đắt tiền mà họ đã mua, những người nổi tiếng mà họ đã gặp… Facebook đã trở thành một cái thùng rác khổng lồ đầy những thông tin mà tôi chẳng quan tâm hay thậm chí chẳng buồn biết.

Và rồi cái News Feed (bảng tin) ra đời. Tôi bị dội bom bởi hàng tấn quảng cáo từ các trang mà tôi đã trót “Like”, các đường link mà tôi lỡ bấm vào xem. Thêm vào đó, khi bạn cài Facebook vào điện thoại smartphone, bạn sẽ thường xuyên phải kiểm tra xem có tin nhắn nào không. Thậm chí ngay cả khi chẳng có gì thì bạn vẫn cứ phải mở điện thoại ra xem cho… yên tâm.

Bạn sẽ có thói quen trả lời các tin nhắn ngắn ngủi ở chỗ này, chỗ kia. Nó tạo thành một vòng quay bất tận và lặp đi lặp lại điệp khúc: Kiểm tra tin nhắn, chờ đợi và trả lời. Mặc dù mỗi lần trả lời bạn chỉ tốn vài giây nhưng vài giây đó cứ dồn vào liên miên và đến lúc tôi nhận ra rằng mình đã tốn khá nhiều giờ mỗi ngày cho thế giới ảo trên Facebook. Chính vì tính năng “chat” này mà thương vụ mua lại WhatsApp với giá trên trời đã diễn ra. Nhưng điểm mấu chốt của tôi với Facebook chính là vấn đề “quyền riêng tư”, mặc dù tôi sẽ không nói chi tiết về nó khi mà hầu hết tất cả các bạn đều đã quen với việc những bức ảnh của mình (hoặc ảnh có mặt bạn) được chia sẻ ở chốn công cộng mà bạn không hề biết. Là một người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, trong một công ty hàng ngày phải xử lí một lượng vô cùng lớn dữ liệu cực kì riêng tư và nhạy cảm của người khác, tôi biết rất rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cho khách hàng. Tôi không phản đối Mark Zuckerberg – nhà sáng lập và hiện là CEO của Facebook.

Ảnh

Thực tế, tôi còn ngưỡng mộ anh ta và cô vợ của mình vì những hoạt động từ thiện, quyên góp hàng triệu USD để sửa chữa các trường học ở California và New Jersey. Đó là những việc làm đáng quý kể cả họ là những tỉ phú. Tuy nhiên, bạn có biết rằng Mark là một tay hacker bẩm sinh ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế của trường Harvard. Tôi không bao giờ sẵn lòng giao dữ liệu cá nhân của mình cho một tay hacker để sau đó anh ta có thể tuyển dụng một đội ngũ nhân viên và bán nó cho các nhà quảng cáo. Hãy lưu ý, việc thiết lập chế độ “Chỉ mình tôi” cho mọi thông tin cá nhân không đủ để bảo vệ bạn trước các hành vi khai thác dữ liệu cá nhân của Facebook.

Facebook là “kẻ hút máu”, bằng cách khai thác triệt để thông tin cá nhân của họ để bán cho các nhà quảng cáo. Một điều quan trọng mà tất cả mọi người đều phải nhớ, có rất nhiều những thủ thuật tin học có thể khui ra mọi thông tin về cá nhân bạn mà bạn không hề biết.

Mới đây, chuyên gia ngành khoa học máy tính Jennifer Golbeck và nhà kinh tế học Alessandro Acquisti đã tiết lộ trong Hội nghị TED rằng: trên thực tế, chúng ta chia sẻ trên mạng nhiều hơn mức độ chúng ta tưởng. Tất cả những thông tin mà bạn chia sẻ ngày hôm nay (có thể có hay không có sự đồng ý của bạn, hợp pháp hay phi pháp) có thể sẽ trở thành thứ chống lại bạn ngày mai.

Khi bạn chia sẻ thông tin trên mạng, bạn đã vô tình trao cho kẻ khác quyền được khai thác các thông tin đó. Thông thường, mỗi trang mạng sẽ chỉ sử dụng dữ liệu của chúng ta ở một mức độ nào đó, nhưng Facebook thì tham lam và hung bạo hơn tất cả các mạng xã hội khác. Facebook không coi chúng ta là khách hàng mà họ chỉ đối xử với chúng ta như là một sản phẩm của họ. Khách hàng đích thực của Facebook là các nhà quảng cáo – kẻ mà Facebook đang ra sức mời chào, rao bán chúng ta cho họ. Kể từ đó, tôi đã xóa sạch sẽ tài khoản Facebook của mình và vĩnh viễn.

Theo Genk.




Bình luận

  • TTCN (0)