Chị Vũ Hồng, trưởng nhóm mua hàng của một công ty thương mại điện tử đa quốc gia tại quận 1, TP HCM, vốn rất bận rộn, nhất là những dịp đi công tác, nên chiếc điện thoại phải "trực chiến" liên tục để kết nối với khách hàng và cơ quan.

"Hết gọi điện về văn phòng bàn công việc, đến gọi cho đối tác rồi kiểm tra và trả lời e-mail, lên mạng tìm hiểu thông tin sản phẩm, địa điểm, khách hàng...., chiếc smartphone của tôi luôn trong tình trạng 'đói' pin. Vì vậy tôi cứ phải loay hoay hết tắt rồi bật Wi-Fi, 3G để tiết kiệm pin được lúc nào hay lúc đó nhưng cũng không được bao lâu", chị Hồng chia sẻ.

Còn anh Minh Hùng, nhân viên kinh doanh một công ty thương mại tại quận 3, phải thường xuyên di chuyển và gọi điện để liên hệ chào hàng và thương lượng giá cả, hẹn gặp kí kết hợp đồng với khách hàng.

"Nhiều lúc khách hàng gọi điện đến dồn dập nên có khi đang nói chuyện với họ thì điện thoại tắt ngấm vì hết pin. Lúc đó lại phải loay hoay tìm chỗ cắm sạc, thường nhất là lao vào quán cà phê và gọi lại cho khách. Nhiều người thông cảm thì không sao nhưng cũng có đối tác đánh giá mình làm việc không chuyên nghiệp, thiếu sự chuẩn bị nên họ hủy luôn việc thương thảo hợp đồng", anh Hùng bộc bạch.

Chính vì nỗi ám ảnh của việc hết pin giữa chừng đã khiến người dùng smartphone áp dụng triệt để những "bí kíp" tiết kiệm pin thường được truyền miệng nhưng không biết được hiệu quả thực sự.

Một trong những kinh nghiệm mà nhiều người cho là đúng nhất và hay chia sẻ cùng nhau là việc tắt các kết nối Wi-Fi, 3G hay Bluetooth khi không sử dụng. Nhưng điều này chưa hẳn đúng vì khi các kết nối này được bật lên sẽ không làm tiêu hao nhiều thời lượng pin mà chính những ứng dụng đang chạy sử dụng kết nối mới là nguyên nhân "đốt" pin trên điện thoại.

Vì vậy thay vì tắt tất cả các kết nối, người dùng cần kiểm tra lại ứng dụng nào đang dùng những kết nối này để kiểm soát. Chỉ nên cài đặt những ứng dụng thực sự cần thiết và phù hợp với nhu cầu sử dụng để tránh tiêu hao pin gây ra bởi các kết nối không cần thiết. Sử dụng phần mềm xác định và tắt các ứng dụng đang chạy ngầm, tắt bớt cửa sổ trình duyệt web cũng là cách tiết kiệm pin hiệu quả.

Trước đây pin điện thoại được sản xuất theo công nghệ cũ nên người dùng thường được khuyên cần dùng hết sạch pin mới cắm sạc. Tuy nhiên với công nghệ pin hiện đại thì điều này không còn cần thiết. Hơn nữa nhiều nghiên cứu khuyến cáo việc sử dụng smartphone khi dung lượng pin ở mức dưới 20% sẽ có nguy cơ gây ra những tác hại đến não người. Tốt nhất người dùng nên sạc pin ngay khi điện thoại báo vạch pin đang ở mức dưới 20%.

Sử dụng tính năng điều chỉnh độ sáng tự động sẽ làm tiết kiệm pin đôi chút nhưng không đáng kể. Trong khi đó, những người hay phải ra ngoài và làm việc dưới nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau có thể khiến chức năng này làm việc cật lực hơn. Trong nhiều trường hợp, độ sáng đôi khi phải tăng lên ở mức tối đa, vì vậy thời lượng pin có thể bị giảm sút một cách đáng kể hơn.

Theo các kĩ thuật viên điện thoại, người dùng có thể "thủ" thêm pin sạc dự phòng để tránh việc bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn sạc cố định nhằm cung cấp năng lượng cho smartphone mọi lúc mọi nơi, giảm thiểu trường hợp phải vừa cắm sạc vừa dùng trong những tình huống bất khả kháng.

Theo Số Hoá.




Bình luận

  • TTCN (0)