Những năm trước, hàng xách tay thường tập trung vào các loại đồng hồ, mỹ phẩm, rượu, hay quần áo giày dép... Nhưng thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng đã chuyển sang hàng điện tử.Khi nói đến hàng điện tử xách tay thì được ngầm hiểu là có hai loại: “Hàng ngoài” và “Hàng độc”.
“Hàng ngoài”, là những mẫu mà các nhà phân phối trong nước đã bán tại thị trường và "hàng độc" - thuộc những hàng chưa có đại diện tại Việt Nam, hoặc những model chưa được phân phối trong nước.
Với những ai kinh tế dư giả, một chiếc laptop, hay điện thoại di động không đơn thuần là vật dụng cá nhân, mà còn chứng tỏ đẳng cấp của người sử dụng. Chính vì vậy, hàng xách tay đã phần nào đáp ứng được nhu cầu mới, lạ, độc và sành điệu đó.
Muốn mua hàng xách tay, cũng không nhất thiết phải có dịp đi công tác, hoặc có người quen ở nước ngoài. Các trang Web chuyên bán hàng xách tay cũng đã mọc lên rất nhiều. Muốn mua một mặt hàng nào đó, chỉ cần xem hình cũng như tính năng kèm theo trên website, sau đó gọi đến số điện thoại liên hệ trên website đó để đặt hàng.
Website hangdoc.com.vn có cửa hàng tại 46 Nguyễn Cư Trinh, Q.1 và 234 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, chủ nhân của hệ thống cửa hàng này là một người Mỹ gốc Việt. Khi có hàng mới sẽ đưa thông tin lên website.
Sau khi có đơn đặt hàng trong nước, bộ phận kinh doanh bên Mỹ sẽ săn và gởi hàng. Tương tự, trang web hnammobile.com (có cửa hàng tại 89 Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM) cũng là một trong những địa chỉ mua hàng "order" chuyên về những model điện thoại di động chưa có mặt chính thức tại Việt Nam.
Có thể nói, hàng xách tay điện tử đang trở thành một làn sóng ngầm song song tồn tại cùng hàng chính hãng và thậm chí chính nó đã không ít lần "hích" hàng chính chính hãng cả về giá cả lẫn thời gian có mặt trên thị trường.
Chín người mười ý
Anh Nguyễn Văn Thành, nhân viên bộ phận Online Content, công ty VinaGame, thường khiến các bạn đồng nghiệp trầm trồ kinh ngạc. Anh thường xuyên sử dụng những món đồ vô cùng độc đáo và bắt mắt. Từ chiếc bút máy có tính năng ghi âm, cái USB hình thù ngộ nghĩnh với dung lượng lớn, đến chiếc laptop đa năng có thể quay được video...
Khi thấy tôi trầm trồ khen ngợi, anh Thành tiết lộ: "Mấy món này không đắt như em nghĩ đâu, anh nhờ bạn "xách tay" về nên giá tương đối "mềm". Anh có khá nhiều bạn ở nước ngoài. Hàng bên đó giá rẻ, mà chất lượng tốt, nên anh đặt mua.
Cũng có nhiều mặt hàng tại Việt Nam đã có, nhưng hàng xách tay thường không có thuế, nên giá rẻ hơn chút đỉnh. Anh xem hàng trên mạng, nhờ bạn ở nước ngoài khảo giá, chất lượng, gửi tiền và chờ hàng về. Hàng này về Việt Nam không có giấy bảo hành, nhưng chính hãng thì chất lượng khỏi chê. Mua ở Việt Nam cũng giá đấy nhiều khi còn bị đổi đồ".
Như dân trong nghề thường hay nói, Việt Nam là thị trường hạng hai, nên đa số các mẫu điện thoại, máy nghe nhạc MP3 cao cấp cho đến máy tính xách tay, máy quay phim số... thường xuất hiện sau các nước châu Âu, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Chính vì vậy, đã tạo điều kiện cho hàng xách tay phát triển. Anh Phạm Minh Hồng, đồng nghiệp của anh Thành, một trong những người sở hữu chiếc iPhone danh giá đầu tiên ở Việt Nam, vui vẻ kể: "Tôi có chiếc iPhone khoảng một tuần sau khi nó chính thức ra đời tại Mỹ, và đã mua được với giá 900USD trong khi nó vẫn chưa được mở khóa tại Việt Nam. Mặc dù chưa sử dụng được, nhưng cầm được nó trong tay cũng phần nào làm tôi hạ nhiệt".
Hàng độc được nhiều khách hàng ưa thích, bởi nó ít "đụng hàng". Nhiều dân chơi chỉ săn hàng "độc" với những thương hiệu nước ngoài, như T-Mobile, Sidekick, BlackBerry, Vodafone, Sharp... hay iPhone.
Thỉnh thoảng gặp Minh Hòa, trước kia học chung lớp, giờ đã là leader PR ở một công ty Truyền thông, lại thấy anh sử dụng một chú dế mới. Hỏi ra mới biết, Hòa có cả một bộ sưu tập "dế độc". Khác với mọi người hay "có mới nới cũ", Hòa giữ lại các máy đã sử dụng để sưu tập. Hòa nói: "Hòa chơi hàng xách tay. Nếu so với hàng mua tại Việt Nam giá rẻ hơn.
Hầu hết dòng hàng mình xài trong nước không có. Nhưng ở bên kia, chúng lại thuộc những series máy vừa lỗi mốt. Vì vậy, chúng được bán rẻ hơn, thậm chí bằng một nửa so với giá ban đầu".
Bố của Hòa là một doanh nhân trong ngành công nghệ, lại thường xuyên đi công tác nước ngoài, nên tha hồ chiều lòng cậu con trai quý tử. Đối với vài món "độc" như máy ảnh chuyên nghiệp phục vụ cho nghề của anh, cần sục sạo nguồn bán, thử máy móc, so sánh giá cả... thì bố nhiều khi không giúp được. Hòa thỉnh thoảng lại phải thân chinh xuất ngoại kiếm hàng. Mỗi lần như vậy, coi như kết hợp đi du lịch, anh nói.
Trái "gu" với những dân "nghiền" hàng hitech như Hòa, chú Hoàng ở địa chỉ 352/39 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM, có con gái được công ty cho đi học ở Singapore 2 tháng. Nghe mọi người nói hàng điện tử ở "Sing" rẻ và chất lượng, chú Hoàng đã nhờ con gái mua một máy ảnh kỹ thuật số hiệu Panasonic. Hàng mua về chú rất thích, và đi khoe với mọi người vì mua được hàng xịn, mà rẻ hơn trong nước những 3 triệu.
Nhưng một tuần sau, khi đi đám cưới, chú Hoàng vô tình đánh rơi máy ảnh làm vỏ máy bị móp nặng. Lọ mọ tìm đến cửa hàng bảo hành của Panasonic để mua đồ thay thì được trả lời là không có đồ vì không phải hàng chính hãng. Chú đành ngậm ngùi nhìn chiếc máy ảnh mới, nhưng "khuyết tật" và rút ra bài học xương máu: "Biết thế này, mua hàng chính hãng có bảo hành trong nước còn hơn".
Lợi bất cập hại
Hàng xách tay tuy có giá rẻ hơn hàng chính hãng do không phải đóng thuế, nhưng bảo hành lại không có, nên nếu có hỏng hóc gì đột xuất cũng đành bỏ tiền túi, hoặc bó tay vì không có đồ phụ tùng phù hợp để thay thế. Mặt khác, giá cả lại không ổn định.
Tùy theo mức độ "hot" mà giá bán cũng khác nhau. Thêm vào đó, có những ngoại lệ như với các sản phẩm điện thoại di động, sự khác biệt về băng tần hoạt động khiến nhiều người mua từ nước ngoài mang về Việt Nam phải phân vân. Giải mã là phương pháp duy nhất cần phải thực hiện để hợp pháp hóa chiếc điện thoại "xách tay" nếu muốn dùng được trong nước.
Vấn đề mà nhiều khách hàng quan tâm là giá cả cho một lần "phá khóa", thường từ 200.000 đồng đến hơn 400.000 đồng, vì thiết bị giải mã khó tìm kiếm, và nhiều khi còn phải thay đổi phần cứng cho phù hợp. Cũng có trường hợp, điện thoại lúc đầu là model này, nhưng sau khi chuyển đổi lại... biến thành model khác. Nhất là với những máy có cùng nhà sản xuất, chạy trên những phần mềm giống nhau với hình dáng bên ngoài cũng tương tự nhau.
Đó là một nỗi khổ của người mua hàng xách tay, và có không ít trường hợp dở khóc dở cười, như chị Tú (Q.5, TPHCM). Trong một lần đi du lịch Mỹ với chồng, chị đã mua một chiếc điện thoại độc đáo mà chị rất thích.
Nhưng nghiệt nỗi, khi về Việt Nam sạc pin cho điện thoại thì sự cố đã xảy ra dẫn đến hỏng máy và không thể sử dụng được nữa. Khi đem đi sửa mới biết được rằng bộ sạc pin này sử dụng hiệu điện thế 120V, khác với Việt Nam hay dùng điện trực tiếp là 220V.
Bênh cạnh đó, phần lớn điện thoại xách tay về Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Campuchia, hoặc từ khu bán hàng rẻ tiền ở Hồng Kông, Bangkok,... số ít còn lại được đưa về từ các nước châu Âu hay Mỹ, Singapore,...
Vì vậy, nhiều người mắc bệnh hình thức đã phải trả giá. Một số người buôn hàng xách tay tham lợi, sẵn sàng mua hàng nhái, hàng "chôm" ở nước ngoài đem về Việt Nam tiêu thụ, hoặc mua đồ cũ, thay phụ kiện mới rồi bán ra. Với những trường hợp này, giá nào bán cũng có lợi. Chất lượng vô chứng, có sự cố gì khách hàng phải tự lo.
Mọi việc đều có hai mặt, và có cái lý riêng của nó. Hàng xách tay đáp ứng được nhu cầu mới, độc, lạ và sành điệu, nhưng chơi hàng xách tay cũng như đùa với lửa. Phải thật cẩn thận, và "có nghề" mới có thể tránh được... 1001 điều phiền toái.
(Theo Tạp chí Sức mạnh số)
Bình luận