Với việc các thương hiệu smartphone bản địa tại Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt qua mặt Samsung, đại gia di động Hàn Quốc bắt đầu cảm thấy sức nóng nghẹt thở tại những thị trường mới nổi.

Các số liệu mới nhất cho thấy, Samsung vẫn là hãng smartphone lớn nhất thế giới, nhưng các vết rạn cũng bắt đầu xuất hiện bên dưới ngai vàng của hãng này. Trong quý II, Samsung đã cùng lúc đánh mất ngôi vương ở cả hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời chứng kiến lợi nhuận giảm quý thứ 3 liên tiếp.

Tin xấu bay về dồn dập đã góp phần vẽ nên bối cảnh khó khăn hiện tại của Samsung, một thương hiệu điện thoại có phương châm "bán sản phẩm cho mọi khách hàng, ở mọi tầm giá và mọi khu vực địa lý". Các thương hiệu tân binh ở Trung Quốc, Ấn Độ không ngần ngại chạy đua về giá với đối thủ lớn để giành thị phần. Có lẽ đã đến lúc ban lãnh đạo của Samsung phải tìm ra một chiến lược mới, nhất là với thị trường smartphone bình dân, giá rẻ đang tăng trưởng chóng mặt.

"Đã có thời điểm Samsung là lựa chọn mặc định nếu như người dùng tìm mua một chiếc điện thoại Android", nhà phân tích Jan Dawson của Jackdaw Research chia sẻ. "Nhưng giờ đây, các đối thủ Trung Quốc đã ùa vào, hạ giá điên cuồng và tung ra những thiết bị chạy rất ổn. Họ đang giành mất miếng ăn của Samsung".

Gần như tất cả những ai muốn sở hữu smartphone tại Mỹ và Tây Âu đều đã thỏa nguyện. Điều này có nghĩa là Apple và Samsung, hai ông vua của làng di động, buộc phải nhìn sang các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Theo ARM Holdings, hãng đang cung cấp thiết kế chip cho hầu hết các sản phẩm di dộng thì sẽ có khoảng 1 tỉ smartphone giá rẻ xuất xưởng vào năm 2018, nhiều gấp đôi smartphone tầm trung và gấp 4 smartphone cao cấp.

Apple và Samsung hiển nhiên là đã nhận ra tầm quan trọng của các thị trường mới nổi, nhưng mỗi hãng lại tiếp cận theo một cách riêng. Apple chỉ bán một vài mẫu điện thoại giá cao mà người dùng luôn ao ước được sở hữu. Thỏa thuận hợp tác mới đạt được với China Mobile - mạng di động lớn nhất thế giới về số lượng thuê bao - giúp cho kết quả kinh doanh của Apple tại Trung Quốc "tăng vọt". Mẫu điện thoại "giá rẻ" của Apple là iPhone 5C cũng có giá lên tới 549 USD cho bản không khóa, cao hơn hẳn so với giá bán smartphone trung bình của cả thị trường.

Trong khi đó, Samsung lại dội bom thị trường với hàng loạt mẫu máy, trải đều ở mọi ngưỡng giá và cấu hình, từ cao cấp nhất cho tới bình dân nhất. Trong vòng 4 năm qua, chiến lược này đã đem lại nhiều thành công cho Samsung mà điển hình nhất là vị thế số 1 thị trường. Samsung đã vững vàng ở ngôi vương tại Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác kể từ khi hạ bệ Nokia vào quý I/2012. Người dùng tìm đến Samsung vì phần cứng mạnh mẽ và sự hấp dẫn của họ máy Galaxy.

Nhưng gần đây, Samsung bắt đầu chuệch choạc. Hãng nghiên cứu Canalys tuyên bố Samsung đã tụt xuống vị trị số hai tại Trung Quốc lần đầu tiên kể từ Q4/2011 trở lại đây, nhường lại vị trí Quán quân cho Xiaomi. Tương tự, tại Ấn Độ, thương hiệu bản địa Micromax cũng hạ knock out Samsung.

"Samsung bán sản phẩm với giá cao nhưng lại không có được hệ sinh thái cao cấp mà Apple sử dụng để bù đắp cho người dùng, những người đã chi trả nhiều tiền để sở hữu một chiếc iPhone", nhà phân tích Avi Greengart giải thích.

Bản thân Samsung cũng thừa nhận trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh hồi tuần trước rằng việc sản phẩm của hãng bị tồn kho tại Trung Quốc và châu Âu đã khiến cho doanh số tiêu thụ "sụt giảm". Tuy nhiên Samsung đang gia tăng ngân sách marketing, quảng cáo để xử lí vấn đề này. Hãng cũng cho rằng việc chạy đua về giá và sức cầu yếu dành cho các sản phẩm 3G tại Trung Quốc là những thủ phạm chính khiến cho kết quả kinh doanh đáng thất vọng. "Những yếu tố này khiến cho lợi nhuận mảng di động giảm khoảng 30% trong quý II", Samsung trần tình.

Nhưng điều đáng ngại hơn là người ta chưa thấy được một giải pháp nào từ Samsung cho những vấn đề này. Samsung cảnh báo rằng nửa cuối năm 2014 sẽ vẫn chông gai như vậy, bởi các đối thủ giá rẻ đang buộc hãng phải hạ thấp giá bán sản phẩm. Tháng 9 tới, Samsung sẽ ra mắt Galaxy Note 4 và một vài sản phẩm wearable mới, nhưng sự thực là rất ít người dùng ở các nước đang phát triển đủ tiền để mua những sản phẩm này.

Điểm chung của các đối thủ của Samsung ở Trung Quốc, Ấn Độ và những nền kinh tế mới nổi là họ đều là thương hiệu bản địa. Họ hiểu rõ văn hóa tiêu dùng địa phương, biết người dùng trong nước quan tâm đến điều gì nhất. Họ cũng sẵn sàng hi sinh lợi nhuận, thậm chí chấp nhận thua lỗ lúc đầu để giành khách. Những công ty này tin rằng họ sẽ kiếm được tiền một khi doanh số tăng lên đủ lớn, ép chi phí linh kiện giảm xuống. Nói cách khác, đó là kiểu kinh doanh "lấy công làm lãi".

Lấy thí dụ, tại Trung Quốc, Xiaomi đang bán những chiếc điện thoại cấu hình khá cao cấp với giá chỉ bằng smartphone trung cấp, thậm chí là bình dân. Dù chỉ mới thành lập vẻn vẹn 4 năm nhưng Apple của Trung Quốc đã qua mặt Samsung tại thị trường di động lớn nhất thế giới, nhờ những thiết bị như Redmi Note (giá 154 USD) hay Mi 4 (322 USD). Để so sánh, Galaxy S5, mẫu smartphone đầu bảng của Samsung hiện nay đang được bán với giá 650 USD cho bản không khóa, dù cấu hình chỉ nhỉnh hơn Mi 4 không đáng kể.

Những lựa chọn trước mắt Samsung đều khó cả. Hãng này sẽ phải quyết định từ bỏ, hi sinh những gì để có thể thành công ở các thị trường mới nổi, cũng như xác định thế nào thì được coi là thành công (lợi nhuận cao hay thị phần lớn)? Samsung có thể đi theo con đường của Apple bằng cách giữ nguyên giá sản phẩm nhưng phải chấp nhận hi sinh vị trí số 1. Hoặc hãng có thể dội bom thị trường bằng những mẫu smartphone ngon, bổ, rẻ để giành lấy thị phần, chấp nhận lợi nhuận cực mỏng, thậm chí bằng 0.

Nhưng dù lựa chọn thế nào thì Samsung cũng phải quyết định thật sớm bởi các đối thủ Trung Quốc và Ấn Độ đều không chịu dừng lại phút nào!

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)