Khách hàng gọi điện thoại Gphone trong ngày khai trương. Ảnh: Lê Quang - VnMedia.
Bên cạnh thị trường điện thoại di động sôi động, các doanh nghiệp viễn thông cũng đang ngấm ngầm cạnh tranh trong lĩnh vực điện thoại cố định không dây.

Quản lý chặt 1 vùng phủ sóng (cell) 

Điều kiện bắt buộc và mấu chốt của loại dịch vụ điện thoại cố định nội vùng là phạm vi di chuyển trong 1 vùng phủ sóng (gọi là 1 cell, trong mạng tế bào công nghệ GSM. NV).

Điểm quan trọng thứ hai là, thiết bị đầu cuối của loại dịch vụ này buộc phải là máy điện thoại để bàn. Thuê bao đăng ký dịch vụ tại một tỉnh nên mặc dù người sử dụng di chuyển được trong phạm vi một vùng phủ sóng nhưng vẫn phải tính cước nội vùng, nội hạt và cách vùng. Sự cạnh tranh của các DN cung cấp cũng nằm ở đây: phạm vi phủ sóng.

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng vụ Viễn thông cho biết, Bộ BCVT rất khuyến khích DN cung cấp dịch vụ này, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. 

Cũng theo ông Hải: về giải pháp kỹ thuật, công nghệ GSM có khả năng kiểm soát phạm vi nội vùng tốt hơn. Trong khi đó, với CDMA, thì cần chỉnh sửa về mặt công nghệ để kiểm soát được trong nội vùng.

Cũng chính vì lý do này, nên Viettel thời gian đầu đã định "lách" bằng cách: chỉ cần bán thêm sim cố định lắp vào ĐTDĐ cho khách hàng, "tay nọ đánh tay kia", thế là dịch vụ của họ trở thành di động GSM lẫn cố định không dây. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Bộ BCVT "nhìn thấu" và gạt bỏ.

Cạnh tranh sát nút...


Đi tiên phong là dịch vụ cố định không dây E-Com của EVN Telecom. Sau khi triển khai, dịch vụ này đã "hút" được đông đảo người tiêu dùng vì giá rẻ, lắp đặt thuận lợi, lại có thể di chuyển từ hộ gia đình này sang hộ khác. Theo EVN Telecom, với băng tần 450 MHz, mặc dù bị can nhiễu nhiều tại các TP lớn, nhưng tại thị trường nông thôn, hoặc vùng sâu, vùng xa, việc can nhiễu gần như không có.

Để "bắt nhịp" với thị trường, cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn BCVT Việt Nam VNPT cũng cho ra mắt dịch vụ G-Fone. Đến thời điểm này, sau 2 tháng triển khai, dịch vụ ĐT cố định không dây đã mở được ở 8 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. VinaPhone - DN cung cấp hạ tầng mạng cho dịch vụ này khẳng định, họ sẽ phát triển được 500.000 thuê bao G-Fone trong năm 2007.

Còn Viettel, hiện DN này đã cho ra mắt dịch vụ điện thoại cố định không dây dùng sóng GSM có tên HomePhone. Dịch vụ này cũng cho phép khách hàng có thể nhắn tin giữa các thuê bao Home Phone với nhau và với các thuê bao ĐTDĐ của Viettel.

Cuộc cạnh tranh của loại dịch vụ mới này đang hồi quyết liệt, không kém là mấy so với dịch vụ ĐTDĐ vốn đã "nóng" từ nhiều năm nay. Mảng thị trường này đang hứa hẹn gia tăng nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm, tiến tới chất lượng phục vụ tốt cho người tiêu dùng.

(Theo Vietnamnet) 



Bình luận

  • TTCN (0)