Giám đốc điều hành Jerry Yang và bà Chủ tịch Sue Decker của Yahoo. Ảnh: AP.

Gã khổng lồ web vừa công bố giai đoạn cải tổ thứ ba, tập trung quyền lực hơn nữa vào tay bà Chủ tịch Sue Decker, trong nỗ lực khôi phục lợi nhuận và trấn an các cổ đông đang hoang mang, giận dữ.

Mục tiêu của đợt đại phẫu này là nhằm tối đa hóa lợi nhuận từ thị trường quảng cáo web, bằng cách đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và không ngừng mở rộng khối lượng "công chúng" đông đảo của Yahoo.

Ước tính, hiện Yahoo đang thu hút khoảng 500 triệu người dùng thường xuyên nhờ đủ loại nội dung và dịch vụ, từ email miễn phí, tìm kiếm cho đến thông tin tài chính, thời sự và thể thao.

Mặc dù vậy, có vẻ như giới đầu tư chẳng mấy hào hứng với kế hoạch cải tổ mới nhất từ bà Decker.

Bằng cớ là cổ phiếu Yahoo tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh chỉ số Dow Jones đang tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 21 tháng trở lại đây.

Cụ thể, cổ phiếu Yahoo đã giảm tiếp 2,9% để đóng cửa ở mức 21,37 USD. Trước khi Microsoft ngỏ ý muốn mua lại Yahoo với giá 33 USD vào ngày 31/1/2008, cổ phiếu Yahoo cũng chỉ trồi sụt ở mức dưới 20 USD mà thôi.

Trung ương tập quyền

Theo kế hoạch cải tổ mới nhất, Yahoo sẽ có thêm 3 bộ phận mới - tất cả đều báo cáo trực tiếp công việc với bà Decker.

Đó là bộ phận Sản phẩm công chúng, đứng đầu là Ash Patel, người đang điều hành toàn bộ nền tảng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Yahoo.

Thứ hai là bộ phận chuyên trách thị trường Mỹ do bà Hilary Schneider lãnh đạo. Bà Scheinder là cánh tay phải đắc lực của Chủ tịch Decker và hiện đang phụ trách các giải pháp hợp tác quảng cáo toàn cầu cho Yahoo.

Bộ phận của bà sẽ hoạt động song song với 3 bộ phận kinh doanh quốc tế hiện nay của Yahoo tại châu Á, châu Âu và thị trường mới nổi.

Cuối cùng, Yahoo cũng vừa lập ra một êkip "Hoạch định chiến lược nội bộ", tuy nhiên tên tuổi của nhân vật chỉ đạo chưa được công bố.

Ngoài ra, Ari Balogh, người mới gia nhập Yahoo trên cương vị Giám đốc công nghệ cách đây 5 tháng, cũng được mở rộng quyền hạn.

Ông này sẽ quy tụ các nền tảng công nghệ riêng rẽ mà Yahoo đang sử dụng để vận hành các dịch vụ người dùng khác nhau về một đầu mối duy nhất.

Những thay đổi và xáo trộn này diễn ra trong bối cảnh Yahoo vừa mất một loạt quan chức cấp cao và nhân tài sáng chói của mình.

Họ ra đi vì rất nhiều động cơ, một số là vì lý do cá nhân, nhưng cũng có không ít người e ngại các biến cố xảy ra liên tiếp gần đây.

Trong số này, Jeff Weiner, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Dịch vụ người dùng, đã từ chức vào đúng ngày sinh đứa con đầu lòng hồi tháng trước. Ông sẽ đảm nhận cương vị Giám đốc điều hành cho hai quỹ đầu tư mạo hiểm tại thung lũng Silicon.

Cũng theo bà Decker thì Phó chủ tịch phụ trách hệ thống tìm kiếm Panama - Qi Li đã ra đi vì một lý do "không liên quan gì đến đợt đại phẫu lần này".

Cùng cảnh dứt áo ra đi như Weiner và Qi Li là ông Brad Garlinghouse, Giám đốc bộ phận Truyền thông và Cộng đồng của Yahoo.

Garlinghouse chính là người đã viết email nội bộ kêu gọi Yahoo thay đổi "triệt để về chất" để có thể tìm lại lợi nhuận và đường đi đúng đắn cho mình.

Quyền lực lớn

Ảnh
Ảnh: NYTimes.

Theo phương án sắp xếp mới, bà Decker sẽ phụ trách tới 4 bộ phận khu vực, thay vì 3 như trước đây.

Các bộ phận marketing sản phẩm, Internet di động và marketing tập đoàn không có nhiều thay đổi, song bộ phận Yahoo Network sẽ được thay thế bằng bộ phận Công chúng.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng đợt cải tổ lần này tập trung vào việc tăng quyền cho bà Decker là chính.

"Nó khiến tôi không thể không hỏi: Thế thì Jerry Yang sẽ làm gì?", nhà phân tích Jeffrey Lindsay của Sanford C.Bernstein bình luận.

"Có vẻ như quyền lực đang được dịch chuyển và chuyển giao sang cho bà Decker thì phải".

"Việc 3 bộ phận mới báo cáo và làm việc trực tiếp với bà Decker phản ánh rõ một thực tế là vị thế và vai trò của bà trong cơ cấu Yahoo ngày một lớn".

Cũng nhất trí với quan điểm này, chuyên gia Colin Gillis của Canaccord Adams dự đoán:"Rồi đây, Jerry Yang sẽ chỉ còn là Giám đốc Yahoo trên danh nghĩa mà thôi.

Mọi công việc điều hành gần như sẽ nằm cả trong tay bà Decker".

Lẽ tất nhiên, Yang vẫn hết lời bảo vệ cho đợt cải tổ mới nhất của hãng. Yang khẳng định Yahoo sẽ "có điều kiện thuận lợi" để phát triển cả quảng cáo tìm kiếm lẫn quảng cáo ảnh động trong những năm tới.

Về phần mình, bà Decker phủ nhận bình luận của giới phân tích.

"Chẳng có gì thay đổi cả. Tôi vẫn chịu trách nhiệm với mọi hoạt động kinh doanh, còn Ari phụ trách công nghệ và nền tảng".

Kế hoạch của Carl Icahn

Thật trùng hợp, ngày mà Yahoo công bố kế hoạch cải tổ cũng là ngày nhà đầu tư tỷ phú Carl Icahn nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ, trình bày các dự định của ông trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát nhằm vào Yahoo.

Trong hồ sơ, Icahn vạch ra các bước mà ông dự định đề xuất với ban giám đốc mới (Với điều kiện họ được các cổ đông bầu chọn, thay thế cho Ban giám đốc hiện tại):

- Xóa bỏ kế hoạch Bồi thường và đền bù cho nhân viên Yahoo trong trường hợp hãng bị doanh nghiệp khác mua lại.

Đây là kế hoạch bị rất nhiều cổ đông chỉ trích trong thời gian qua vì bị coi là "cố tình gây khó dễ" cho Microsoft.

- Thuê một Giám đốc điều hành tài năng và giàu kinh nghiệm để thay thế cho Jerry Yang.

- Thông báo với Microsoft rằng trừ phi mức giá 33 USD/cổ phiếu vẫn được giữ nguyên, hoặc nâng lên cao hơn, nếu không sẽ không có bất cứ thỏa thuận hay đàm phán nào hết.

- Công khai ý định bán Yahoo cho Microsoft trong một hợp đồng thân thiện và mang tính hợp tác cao hơn.

Phản ứng trước thông tin này, Ban giám đốc Yahoo cáo buộc Icahn đã khiến họ bị phân tâm và không thể dồn sức cho việc điều hành công ty.

"Đã đến lúc Yahoo phải dành mọi sự chú ý cho các nhiệm vụ chiến lược chủ chốt của mình. Vì thế, chúng tôi rất mong các cổ đông hãy bỏ phiếu chống lại Icahn và kế hoạch của ông ta", Yahoo tuyên bố.

Cuộc họp cổ đông thường niên của Yahoo sẽ diễn ra vào ngày 1/8 tới đây. Một số khảo sát sơ bộ cho thấy đa phần cổ đông thích thú với ý tưởng Microsoft và Yahoo nối lại đàm phán, hơn là chứng kiến Yahoo bắt tay cùng đại địch Google.

(Theo Vietnamnet/AP, CNET)



Bình luận

  • TTCN (0)