Những chiếc lá nhân tạo đầu tiên nằm trong dự án Silk Leaf sử dụng lục lạp được chiết xuất từ lá tự nhiên và sau đó gắn vào ma trận protein có trong sợi tơ, do vậy quá trình hấp thụ nước, ánh sáng và carbon để tạo ra glucose và oxy sẽ vẫn được diễn ra như bình thường giống như thực vật ngoài tự nhiên.
Nhờ làm bằng chất liệu của protein tơ cứng cáp nên nó được hi vọng sẽ giúp ích lớn cho ngành khoa học vũ trụ khi có thể mang lên các con tàu vũ trụ để cung cấp dưỡng khí cho các phi hành gia.
Được biết, những chiếc lá nhân tạo trên được tạo ra bởi một sinh viên trường nghệ thuật Royal nước Anh có tên Julian Melchiorri cùng với sự giúp sức của phòng thí nghiệm trực thuộc ĐH Tufts, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kì.
Melchiorri chia sẻ động cơ để anh nghiên cứu ra sản phẩm này là do NASA hiện đang nghiên cứu nhiều cách thức để có thể tạo ra nhiều oxy hơn cho các cuộc hành trình dài ngày trong không gian. Và với loại vật liệu mới nhất này, anh hi vọng các chuyến du hành vũ trụ trong tương lai sẽ có thể kéo dài hơn so với trước.
Hiện tại, thành quả nghiên cứu mới nhất này chỉ mang tính chất khởi đầu cho một ý tưởng lâu dài. Trong tương lai, Melchiorri hi vọng vật liệu lá nhân tạo này có thể được ứng dụng rộng rãi hơn nữa vào đời sống ví dụ như các bộ lọc không khí khổng lồ cho các tòa nhà kiến trúc hay tạo ra sự sống ở những nơi có điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Nguồn Independent.
Bình luận