Cú điện may mắn
Lớn lên ở vùng nông thôn Campuchia đầy khó khăn, Khai Socheung đã quyết định rời bỏ quê hương để đi tìm một công việc có thu nhập cao. Nhưng sự thực thì Socheung đã rơi vào bẫy buôn người. Khi vừa đặt chân lên đất Trung Quốc, thay vì có được việc làm như đã hứa, chị bị bọn buôn người bán cho một người đàn ông với giá 15.000 USD. Kể từ ngày đó, Socheung bị biến thành nô lệ tình dục, bị “chủ” cưỡng hiếp nhiều lần mỗi đêm.
Không thể tiếp tục sống kiếp nô lệ, Socheung xác định lúc này chỉ có một lựa chọn là liều chạy trốn. Một ngày nọ, Socheung đã cố gắng thuyết phục tên cầm đầu nhóm buôn người mua cho mình một thẻ SIM điện thoại với lí do để có phương tiện liên lạc với gia đình. Cuối cùng, Socheung may mắn liên lạc được với Licadho - một tổ chức từ thiện nhân quyền có trụ sở ở Phnôm Pênh, đã giúp chị hồi hương.
Đề xuất 2 phương pháp tối ưu
Câu chuyện may mắn thoát khỏi “địa ngục” của Socheung chỉ là con số rất hiếm. Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có đến 21 triệu người trên thế giới bị mắc bẫy bọn buôn người và buộc phải làm việc cực nhọc. Nạn buôn bán người dưới mọi hình thức một phần khó xử lí do nó vượt qua biên giới của nhiều quốc gia, trong khi các tổ chức không phải lúc nào cũng phối hợp hành động một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay có một số giải pháp kĩ thuật có thể giúp chống lại tội phạm buôn người có tổ chức.
Tiến sĩ Kevin Montgomery kiêm Giám đốc kĩ thuật Trung tâm Tính toán Sinh học quốc gia Đại học Stanford, người thành lập trang web Collaborate.org đề xuất một biện pháp nhằm giải quyết vấn đề. Collaborate thu thập thông tin từ các nguồn như: dữ liệu GIS (Hệ thống thông tin địa lý), tin tức và phương tiện truyền thông xã hội, các mạng cảm biến, các bản tin thời tiết, sự di chuyển của tàu bè và đối chiếu tất cả lại với nhau trong một bản đồ toàn cầu duy nhất. Quan sát 3D cho phép người dùng phóng to một địa điểm để nhìn thấy rõ chuyện gì đang diễn ra ở đó.
Hiện Collaborate có cơ sở dữ liệu 10 petabyte - gấp 5 lần thông tin được lưu trữ trong tất cả các thư viện nghiên cứu học thuật Mỹ. Theo Tiến sĩ Montgomery giải thích: “Khi kết hợp mọi thông tin lại với nhau chúng ta sẽ nắm được vấn đề để cùng phối hợp hành động”.
Tuy nhiên, vấn đề cơ bản đối với nhiều nô lệ hiện đại là làm cách nào để gọi điện thoại yêu cầu được giúp đỡ. Hugh Bradlow, Giám đốc công nghệ Công ty Viễn thông Telstra của Úc, đề nghị một số gọi khẩn cấp duy nhất dành cho các nạn nhân của bọn buôn người. Hugh Bradlow cho rằng: “Thường thì các nạn nhân của tội phạm buôn người không biết được mình bị đưa đến quốc gia nào, thế nên chúng ta cần một số điện thoại chung cho mỗi quốc gia”. Nhưng “Họ có thể mù chữ nên không thể sử dụng tin nhắn văn bản. Họ cũng có thể ở trong một khu vực ngôn ngữ khác cho nên vẫn cần có hệ thống đa ngôn ngữ”.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Hugh Bradlow việc giữ an toàn cho người gọi cũng là một yếu tố quan trọng. Bọn tội phạm có thể xem những số điện hay tin nhắn gửi đi hoặc đến trên điện thoại của nạn nhân. Do đó, theo Hugh Bradlow, cách an toàn nhất là dựa vào công nghệ gọi là Dữ liệu dịch vụ bổ sung phi cấu trúc (USSD). USSD là dạng tin nhắn tương tự với SMS bao gồm 182 kí tự chữ và số. Nhưng USSD có tính đáp ứng tốt hơn SMS. Có thể hiểu USSD là một dạng tin nhắn nháy lên, sẽ tự động biến mất sau 20 giây, thay vì việc lưu vào máy như SMS. Do vậy, việc phản hồi chỉ có tác dụng trong phạm vi thời gian cho phép này.
“Đó là hệ thống rất đơn giản, chỉ cần đặt dấu trước và sau một con số rồi bấm nút gửi đi mà không để lại dấu vết nào khiến cho bọn tội phạm buôn người phát hiện được. Sau đó, bên nhận tin sẽ kiểm tra thông điệp trên quy mô toàn cầu để định vị điện thoại ở địa phương nào”, Bradlow nhấn mạnh.
Theo An Ninh Thủ Đô.
Bình luận