Nokia: Máy móc cũ nhưng… tầm cỡ thế giới!
Trong văn bản gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban quản lí các khu công nghiệp Bắc Ninh, Tổng cục Hải quan mới đây, Nokia Việt Nam đã nêu lí do việc chuyển giao bị gián đoạn là do vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào Việt Nam, bao gồm cả phụ tùng, linh kiện, bộ phận thay thế (ban hành ngày 15/7/2014 và có hiệu lực vào ngày 1/9/2014).
Thông tư 20 quy định, các máy móc thiết bị đã qua sử dụng sẽ được phép nhập khẩu vào Việt Nam nếu không nằm trong danh mục hàng hóa đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam; thời gian sử dụng (tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu) không quá 5 năm; chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu đạt ít nhất 80%.
Tuy nhiên, Điều 1.2 của Thông tư 20 cũng quy định: Thông tư 20 không áp dụng đối với các trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong nước chưa sản xuất được; nhận chuyển giao từ các khu chế xuất trong nước.
Nokia Việt Nam khẳng định: Công nghệ để sản xuất dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Windows là công nghệ tiên tiến nhất trên thị trường hiện nay và không thể sản xuất được trong nước.
“Chúng tôi đảm bảo rằng cho dù khung dây chuyền sản xuất không phải là hoàn toàn mới nhưng khả năng sản xuất của dây chuyền là dây chuyền công nghệ cao và có tầm cỡ thế giới” – theo quan điểm của Nokia Việt Nam.
Nokia Việt Nam cũng cho biết: Các dây chuyền sản xuất được chuyển giao từ Hungary, Trung Quốc và Mexico đến nhà máy Việt Nam là các máy móc, thiết bị hiện đại và không thuộc danh mục các máy móc, thiết bị, dây chuyên công nghệ đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam; cũng hoàn toàn không phải được đưa vào Việt Nam do đã hết thời hạn sử dụng tại các quốc gia khác.
Chuyển giao chứ không phải nhập khẩu?
Thông tư 20 quy định rõ ràng rằng: Thông tư 20 không áp dụng đối với các trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhận chuyển giao từ các khu chế xuất trong nước.
Nokia cũng cho rằng: Nokia Việt Nam hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp chế xuất có bản chất tương tự như việc chuyển giao giữa các khu chế xuất trong nước với nhau. Các giao dịch này được xem là các giao dịch giữa các khu phi thuế quan diễn ra… ngoài lãnh thổ Việt Nam.
“Như vậy, việc chuyển giao dây chuyền sản xuất vào nhà máy Bắc Ninh không được coi là nhập khẩu vào Việt Nam và hoàn toàn không chịu sự điều chỉnh của Thông tư 20” – Nokia Việt Nam trình bày.
Nokia Việt Nam cũng viện dẫn thêm nhiều quy định tại Thông tư 20 để chứng minh lập luận của công ty này là có lí.
Trong văn bản các cơ quan hữu quan, Nokia Việt Nam đề nghị các cơ quan xác nhận: Việc chuyển giao dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng từ các nhà máy nước ngoài sang Nokia Việt Nam là doanh nghiệp chế xuất, hoàn toàn không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư 20.
Đồng thời, trong khi chờ đợi phúc đáp của các cơ quan hữu trách, Nokia đề nghị cho phép Nokia tiếp tục tiến hành các hoạt động chuyển giao dây chuyền sản xuất theo đúng kế hoạch đã đề ra. Cụ thể là chấp thuận cho Nokia tiếp tục nhận dây chuyền sản xuất từ các nhà máy nước ngoài trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 1/9/2014.
“Chúng tôi rất mong nhận được sự chấp thuận miễn trừ của Quý cơ quan trước ngày 1/9/2014 để đảm bảo việc thực hiện chiến lược kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Microsoft và hoạt động sản xuất kinh doanh thông suốt của nhà máy Nokia Việt Nam. Đây cũng là một yếu tố quyết định cho sự phát triển đầu tư của tập đoàn Microsoft tại Việt Nam trong tương lai” – Nokia Việt Nam bày tỏ trong văn bản.
Sau khi nhận được văn bản của Nokia Việt Nam, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã kí văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Bộ này xem xét, hỗ trợ và xác nhận đề nghị của Nokia Việt Nam trước ngày 1/9/2014 để Nokia Việt Nam tiếp tục thực hiện việc chuyển giao dây chuyền công nghệ sản xuất thiết bị điện thoại di động theo đúng chiến lược của Tập đoàn Microsoft đã thông qua ngày 17/7/2014.
Theo Hải Quan.
Bình luận