Ảnh minh họa

Công nghệ máy tính gần đây trở thành đề tài gây căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sau một loạt sự cố liên quan đến an ninh mạng. Quốc gia châu Á đang tìm cách trợ giúp ngành công nghệ nội địa bắt kịp với các sản phẩm nhập khẩu như Windows của Microsoft, Android của Google.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Ni Guangnan, người đứng đầu liên minh phát triển hệ điều hành, cho biết nền tảng xuất hiện đầu tiên trên máy tính rồi mở rộng sang smartphone và thiết bị di động khác. Bình luận của ông Ni cũng được đăng tải trên tờ Bưu chính và Truyền thông Nhân dân, tờ báo ngành của Bộ CNTT Trung Quốc (MIIT).

Trung Quốc cũng có vài hệ điều hành nội song khoảng cách giữa chúng và sản phẩm ngoại là quá lớn. Ông Ni hi vọng phần mềm nội có đủ sức thay thế hệ điều hành máy tính ngoại trong từ 1 đến 2 năm, còn trên di động từ 3 đến 5 năm.

Tháng 5/2014, Trung Quốc cấm chính phủ dùng Windows 8 của Microsoft, báo hiệu nước này đang muốn bảo vệ các doanh nghiệp nội. Microsoft còn bị điều tra chống độc quyền. Tháng 3/2013, Trung Quốc cho rằng Google đang kiểm soát gần như hoàn toàn ngành di động thông qua Android và có hành vi phân biệt đối xử với công ty bản địa.

Sau khi cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ tình báo Mỹ cài công cụ theo dõi vào cửa hậu phần cứng của công ty Mỹ, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Trong lúc này, Bộ Tư pháp Mỹ cũng truy nã 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc với tội danh gián điệp công nghiệp.

Ông Ni xem lệnh cấm sử dụng Windows 8 là cơ hội lớn cho công nghệ trong nước song bản thân ngành cần phát triển và đầu tư nhiều hơn nữa. “Tạo ra môi trường cho phép chúng tôi ganh đua với Google, Apple và Microsoft, đây chính là chìa khóa quan trọng để thành công”, vị này bình luận.

Theo ICTnews. Nguồn Reuters.




Bình luận

  • TTCN (0)