Cô đào "siêu vòng ba" Kim Kardashian chuẩn bị xuất bản cuốn sách tổng hợp những bức ảnh selfie được yêu thích nhất của mình và cả những tấm chụp với chồng Kanye West chưa từng được công bố. Cuốn sách mang tên Selfish này được dự đoán sẽ là một tác phẩm ăn khách.
Năm ngoái, từ điển Oxford bổ sung thêm từ khóa selfie nhằm mô tả về hành động một người dùng thiết bị, ví dụ smartphone, tự chụp ảnh chính mình rồi chia sẻ lên mạng. Thậm chí, đầu tháng 1/2014, bộ đôi The Chainsmokers đã tung ra ca khúc #Selfie và nhanh chóng bán được tới 850.000 bản chỉ tính riêng ở Mỹ đến tháng 6/2014.
Bài hát phổ biến đến mức Universal Music đã quyết định trình làng Selfie The Album với các bản nhạc liên quan đến trào lưu ảnh tự sướng như của Duke Dumont, Gorgon City, The Chainsmokers... vào ngày 24/8.
Hồi tháng 3, Samsung chi tới gần 20 triệu USD cho các quảng cáo điện thoại Galaxy tại lễ trao giải Oscar, nhưng hiệu quả lớn nhất lại đến từ bức ảnh selfie của người dẫn chương trình Ellen DeGeneres và dàn sao Hollywood. Tấm hình đã thu hút tới hơn 3 triệu lượt chia sẻ trên Twitter chỉ sau một ngày.
"Ảnh selfie của DeGeneres còn hiệu quả hơn những quảng cáo của Samsung. Không khoản tiền nào đủ để mua được sự lan truyền lớn như vậy", Allen Adamson, Giám đốc Landor Associates, nhận xét trên Wall Street Journal.
Ngành công nghiệp di động - nơi cung cấp công cụ hỗ trợ cho trào lưu selfie - càng không thể bỏ qua thị trường này. Hàng trăm công ty đã cho ra đời những ứng dụng, phần mềm, thiết bị... để giúp người dùng thuận tiện hơn trong việc chụp chân dung.
Các hãng điện thoại có tên tuổi như Sony, HTC, LG... và nhiều công ty Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Huawei, Lenovo đã trình làng smartphone với máy ảnh phía trước lên đến 5-8 Mpx để giúp chụp hình sắc nét. Ngoài ra, các sản phẩm còn được trang bị thêm ống kính góc rộng để chụp chân dung cả nhóm, đi kèm với chế độ "Beauty Mode" hỗ trợ chỉnh sửa để khuôn mặt người trong ảnh trông đẹp hơn.
Một sản phẩm độc đáo đã ra đời trong trào lưu này là gậy chụp ảnh "tự sướng" (selfie stick) với giá từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng. Thiết bị được thiết kế với hai phần chính gồm tay cầm và giá đỡ điện thoại. Tay cầm là ống kim loại hoặc nhựa có thể thay đổi độ dài từ 20 cm đến 1 mét. Giá đỡ sử dụng cơ chế kẹp linh hoạt để có thể tương thích với hầu hết smartphone với kích thước khác nhau.
Trong khi đó, một số video hướng dẫn "Làm thế nào thể chụp ảnh selfie đẹp nhất"... trên YouTube đã đạt hàng triệu lượt xem, giúp các tác giả được Google trả khoản tiền lên tới 30.000 USD. Còn xét về ứng dụng, chỉ tính riêng trên kho iTunes đã có tới 970 ứng dụng chuyên về selfie. Đa số cho phép người dùng biên tập ảnh như xóa nếp nhăn, nám, thêm chú thích, hiệu ứng, chỉnh độ sáng... hoặc biến ảnh chụp thành tranh vẽ, hoạt hình...
Theo Số Hoá.
Bình luận