ĐTDĐ luôn là thiết bị gần gũi nhất với người dùng. Công nghệ ngày càng phát triển khiến những “chú dế” lại càng trở nên không thể thiếu. Sau đây là những tính năng “trong mơ” của những mobile tương lai.

Video Chat

Từ lâu lắm rồi người dùng trên thế giới đã mơ đến ngày được đàm thoại bằng video hai chiều khi hãng AT&T giới thiệu Picturephone tại Triển lãm thế giới năm 1964. Tuy nhiên, gọi điện video “ngốn” nhiều băng rộng thế nên chat trong thời gian thực vẫn đang là niềm mơ ước của người dùng Mỹ và tất cả người dùng khắp thế giới. Sự xuất hiện của WiMax, công nghệ không dây thế hệ thứ 4 tốc độ cao, sẽ thay đổi điều này trong vài năm tới.

Điện thoại như “cây đũa thần”

Trong tương lai, điện thoại sẽ là “cầu nối” giữa các thiết bị với nhau. Hãy nghĩ xem, điện thoại của bạn có thể là một thiết bị điều khiển từ xa có thể truyền file, chỉ cần lắc tay hoặc vẫy tay là có thể bật hoặc tắt các thiết bị khác.

Cảm biến chuyển động mà không cần chạm đến

Điện thoại muốn trở thành “cây đũa thần” thì cần phải có khả năng nhận dạng chuyển động. Một vài điện thoại hiện nay, như iPhone, hay một số model của Sony Ericsson và Nokia đã có chức năng này. Công ty GestureTek ở California, Mỹ, đã có một công nghệ “lắc, quay và nhảy” để sạc pin cho điện thoại.

Trong tương lai, điện thoại có thể cảm nhận chuyển động mà không cần chủ nhân chạm đến nó. Chỉ cần thể hiện hành động của mình, camera của điện thoại sẽ đọc được yêu cầu của bạn.

Thanh toán bằng điện thoại

Tất cả các hãng sản xuất điện thoại đều muốn những “chú dế” của mình luôn nằm trong túi của chú nhân. Và thực tế, mobile đã trở thành vật không thể thiếu của mỗi người khi ra khỏi nhà. Vậy, tại sao không kết hợp hai trong một. Hãng viễn thông Mobilkom của Úc và NTT Docomo (Nhật) đã cho phép người dùng thanh toán một số mặt hàng bằng điện thoại. Chỉ cần quét nhẹ cảm biến điện thoại lên đầu đọc là việc mua sắm hoàn tất.

Máy chiếu video

Một hạn chế dễ thấy nhất của ĐTDĐ là màn hình quá nhỏ khiến việc xem video, trình chiếu hình ảnh trở nên khó khăn. Một số công ty, trong đó có 3M, Texas Instruments và Microvision của Mỹ đã khắc phục điều này bằng cách cài máy chiếu vào trong điện thoại. Khi được lắp loại máy chiếu được gọi là “pico”, điện thoại có thể chiếu hình ảnh lên một bước tường hay một chiếc bàn gần đó. Công ty Microvision dự kiến sẽ bán đại trà máy chiếu pico này trong năm 2009, còn 3M sẽ trang bị máy chiếu cho điện thoại Samsung vào cuối năm nay.

Màn hình gập

Nếu như màn hình kiêm cả máy chiếu nghe có vẻ khoa học thì công ty Polymer Vision (Hà Lan) lại đưa ra một loại màn hình rất thực tế, có thể gập, mở dễ dàng. Điện thoại Readius được giới thiệu từ hồi tháng 1. Readius có màn hình 5 inch hứa hẹn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với iPhone của Apple và sách điện tử Kindle của Amazon.

Người dùng sẽ có một màn hình rộng để đọc báo, có bộ pin khỏe để lướt web trên điện thoại. Kiểu dáng và khả năng kết nối của chiếc điện thoại này cũng cực kỳ ấn tượng.

Sạc pin không dây

Mệt mỏi với những mớ dây rợ lằng nhằng khi cần nạp điện thoại. Công ty Wildcharge ở Boulder, Mỹ đã sản xuất một tấm panel phẳng được tích hợp nguồn sạc pin. Hiện các điện thoại phải nối với một adapter đặc biệt để nối với pin và nguồn, nhưng Wildcharge hi vọng sẽ tích hợp công nghệ này vào trực tiếp điện thoại ngay trong năm tới.

Công ty Powercast cũng đang phát triển một tính năng rất thú vị, một nguồn năng lượng sẽ được truyền qua sóng radio, giúp sạc pin cho điện thoại đặt gần đó mà không cần tiếp xúc.

Năng lượng thay thế

Có một cách để người dùng không cần phải lo lắng về pin điện thoại, đó là sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên để kéo dài thời lượng pin. Các hãng sản xuất điện thoại, như Motorola, Nokia đang xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng mặt trời, pin nhiên liệu và động năng.

Mạng 4G

Để “tải” được tất cả những tính năng nâng cao này, các điện thoại sẽ phải hoạt động trên mạng di động 4G tốc độ cao. Mạng di động thế hệ thứ 4 sẽ được triển khai trong vài năm tới.

Dù mạng 4G được phát triển dựa trên công nghệ WiMAX hay LTE thì nó cũng cho phép người dùng lướt web tốc độ nhanh, stream video tốt hơn và rất có thể cước phí dịch vụ sẽ rẻ hơn.

(Theo Dantri/Forbes)



Bình luận

  • TTCN (0)