"Bé" chim cánh cụt này chào đời tại California, Mỹ, đi vào lịch sử khi trở thành chú chim cánh cụt đầu tiên trên thế giới được hình thành trong ống nghiệm.

Chim cánh cụt 184 nở vào tháng 5, được "tạo ra" bằng cách sử dụng tinh trùng đông lạnh, sau đó rã đông.

Sau khi nở, nó được cho ăn theo công thức đặc biệt bao gồm phi lê cá trích, nhuyễn thể, khoáng chất, vitamin và uống nước 5 lần/ngày trong 4 tuần đầu tiên. Hiện con chim cánh cụt ống nghiệm được 12 tuần tuổi, trưởng thành rất tốt ở tất cả các thông số. Đây là thành quả của nghiên cứu từ cách đây một thập kỉ của Tiến sĩ Todd Robeck, và Tiến sĩ Justine O'Brien, Giám đốc khoa học của trung tâm sinh sản.

Ảnh
Chim cánh cụt 184 được cho hòa nhập cùng những con chim cánh cụt khác sinh sản bằng cách tự nhiên.

Tiến sĩ Justine O'Brien chia sẻ: “Chúng tôi có thể sử dụng thông tin từ nghiên cứu thành công này để phát triển các công nghệ sinh sản như thụ tinh nhân tạo và bảo quản tinh dịch. Những công nghệ này là các công cụ bảo tồn quan trọng cho phép các nhà khoa học như chúng tôi tối đa hóa sự đa dạng di truyền của các quần thể và đảm bảo tính bền vững vào thời gian dài”.

Các nhà nghiên cứu đang hi vọng sử dụng thụ tinh nhân tạo để tăng sự đa dạng di truyền của loài chim cánh cụt. Nghiên cứu này sau đó có thể được sử dụng để duy trì hoặc cải thiện dân số chim cánh cụt trên toàn thế giới.

Chim cánh cụt Magellanic thường được tìm thấy xung quanh quần đảo Falkland và khu vực Nam Mỹ. Loài này phát triển chiều dài khoảng 70 cm, có trọng lượng trung bình khoảng 4 kg. Trong tự nhiên, chim cánh cụt Magellanic trưởng thành bắt đầu quá trình sinh sản vào tháng 9, bằng cách xây dựng một tổ, trước khi đặt trứng vào tổ vào giữa tháng 10. Thời gian ấp trứng kéo dài khoảng 40 ngày. Khi chim được 30 ngày tuổi, chúng có bộ lông gần như phát triển toàn diện, và được khuyến khích rời tổ.

Theo Kienthuc.



Bình luận

  • TTCN (0)