Ngày 25/8/2014, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã ra văn bản yêu cầu Viettel dừng ngay chương trình triển khai chính sách FTTH EDU (kết nối Internet cáp quang) cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Nam.
Công văn này được đưa ra sau khi Cục Viễn thông nhận được thông tin về việc tổ chức chương trình triển khai chính sách FTTH EDU (kết nối Internet cáp quang) cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Nam tại Công văn số 909/HNM-CĐBR ngày 23/7/2014 của Chi nhánh Viettel Hà Nam.
Lí do Viettel phải dừng chương trình này bởi “vi phạm các quy định về quản lí giá cước và khuyến mại trong lĩnh vực viễn thông".
Trong văn bản, Cục Viễn thông cũng yêu cầu Viettel phải báo cáo chương trình đã triển khai, bao gồm số thuê bao đăng kí sử dụng, thời gian đăng kí, dự kiến doanh thu bị thất thu… cách khắc phục khi chương trình dừng không triển khai. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trước pháp luật về việc thất thu do vi phạm nói trên và quy định nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chương trình triển khai chính sách FTTH EDU nằm trong chương trình “Kết nối mạng giáo dục” triển khai từ năm 2008 – 2013. Trước đó, để gia tăng thị phần, năm 2008 Viettel đã có bước đi chiến lược khi quyết định đột phá vào thị trường Internet thông qua ngành giáo dục, bằng cách hỗ trợ kinh phí nối Internet tới 39.000 trường học và đơn vị thuộc ngành giáo dục.
Cụ thể năm 2008, Viettel và Bộ GD&ĐT đã kí biên bản ghi nhớ đưa kết nối Internet đến 100% cơ sở giáo dục (thường được gọi là Chương trình Internet trường học). Trong chương trình này, Viettel sẽ kết nối Intenet băng rộng ADSL với tất cả các trường tiểu học, trung học, mẫu giáo, mầm non, các trung tâm giáo dục cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên…
Kết nối kênh riêng bằng đường cáp quang tốc độ 4Mbps miễn phí tới tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo, giảm 70% cước kết nối kênh riêng bằng cáp quang tới các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó với các trường ở vùng sâu vùng xa, Viettel cam kết sẽ cung cấp miễn phí cả thiết bị lẫn cước kết nối hàng tháng bằng công nghệ qua sóng điện thoại. Với công nghệ GPRS, tốc độ có thể đạt 120 Kbps. Đến năm 2009 nâng cấp lên công nghệ 3G tốc độ có thể đạt 1 Mbps…
Chỉ trong vòng một năm, việc kết nối đã thực hiện xong tại khoảng 50% đơn vị trong chương trình. Nhà cung cấp này hiện cũng đã hoàn thành việc kết nối kênh thuê riêng qua đường cáp quang từ Bộ GD&ĐT tới 63 Sở Giáo dục-Đào tạo trên cả nước.
Theo dự kiến đến năm 2013 chương trình sẽ hoàn thành, tuy nhiên chương trình này đã về đích sớm vào năm 2010.
Tiếp tục chương trình “Kết nối mạng giáo dục” đã được triển khai từ 2008-2013, ngày 28/05/2014, Tập đoàn Viễn thông Quân đội và Bộ GD&ĐT đã tổ chức Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác toàn diện,
Theo đó, thỏa thuận có 2 nội dung quan trọng. Thứ nhất từ thời điểm kí kết đến năm 2015, 100% cơ sở giáo dục trong cả nước từ mầm non đến đại học sẽ được Viettel hoàn thành kết nối miễn phí bằng hạ tầng cáp quang, cho phép tiếp cận Internet tốc độ cao, chất lượng ổn định và cùng lúc số lượng lớn người sử dụng.
Thứ hai Viettel sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT đẩy mạnh đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách thống nhất, toàn diện và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương và các hoạt động giáo dục đào tạo của ngành.
Trở lại vấn đề liên quan đến văn bản của Cục Viễn thông yêu cầu Viettel dừng ngay chương trình triển khai chính sách FTTH EDU (kết nối Internet cáp quang) cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Nam do “vi phạm các quy định về quản lí giá cước và khuyến mại trong lĩnh vực viễn thông".
Chiều ngày 28/8, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện Viettel. Vị này cho biết, FTTH EDU là chương trình tài trợ không phải chương trình khuyến mại và đang được Viettel hạch toán theo chi phí tài trợ không phải chi phí khuyến mại.
Việc tài trợ và hạch toán này thực hiện theo quy định của pháp luật, hoàn toàn không vi phạm về quản lí giá cước và khuyến mại trong lĩnh vực viễn thông.
Cụ thể, theo tiết a điểm 2.23 khoản 2 điều 6 chương II thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn thi hành nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (trước ngày 2/8/2014 được quy định ở tiết a điểm 2.21 khoản 2 điều 6 chương II thông tư 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012), đây là khoản tài trợ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và hoạt động của trường học.
Theo tiết b điểm 2.23 khoản 2 điều 6 chương II thông tư 78/2014/TT-BTC (trước ngày 2/8/2014 được quy định ở tiết b điểm 2.21 khoản 2 điều 6 chương II thông tư 123/2012/TT-BTC), hồ sơ xác định khoản tài trợ cho giáo dục gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ kí của người đại diện cơ sở kinh doanh là nhà tài trợ, đại diện của cơ sở giáo dục hợp pháp là đơn vị nhận tài trợ, học sinh, sinh viên (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) nhận tài trợ (theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này); kèm theo hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa (nếu tài trợ bằng hiện vật). Viettel đã hướng dẫn chi nhánh thực hiện quy định trên khi triển khai thực hiện chương trình.
“Viettel có đầy đủ hồ sơ, biên bản xác nhận khoản tài trợ giữa Chi nhánh Viettel Hà Nam và các trường được tham gia chương trình kèm theo hợp đồng và hóa đơn phí hòa mạng của đơn vị thụ hưởng. Viettel sẽ gửi giải trình lên Cục Viễn thông trong ngày 28/8/2014”, đại diện Viettel cho biết.
Theo Giaoduc.
Bình luận