“Đào tạo thay vì lập trình” là mục tiêu hướng đến của Brain Corporation khi ra mắt hệ điều hành mới giúp robot quan sát, hiểu được cách làm thế nào để đổ rác hoặc mở cửa thông qua huấn luyện thực tế. Hệ điều hành mới của hãng có tên gọi BrainOS giúp robot thông minh hơn, có thể học tập hành vi người dùng để thực hiện những công việc cụ thể trong gia đình, khai thác công nghiệp và dịch vụ, đại diện công ty cho biết.

Robot có thể được giám sát thông qua điều khiển từ xa hoặc các tín hiệu khác để minh chứng một cách rõ ràng các hành vi học hỏi được từ con người mà không cần phải lập trình phức tạp, đại diện công ty chia sẻ trên website của hãng.

Ngoài ra, các nhà phát triển có thể quan sát và thưởng cho robot khi thao tác đúng như cách huấn luyện một số loài vật, Brain cho biết thêm.

Nếu BrainOS hoạt động như đúng thiết kế, việc lặp đi lặp lại các thao tác giúp robot ghi nhận các hành động, tương tự bộ não con người. Lập trình sẽ đặt ra quy định chặt chẽ về những gì mà robot cần ghi nhận và thực hiện.

Với hệ điều hành mới, robot có khả năng di chuyển quanh một khu vực mà không đụng vào các chướng ngại vật hoặc có thể nhặt và di chuyển đồ vật. Robot có thể được đào tạo để bảo dưỡng hoặc dọn vệ sinh sân bãi, đại diện hãng cho biết.

Kĩ thuật mới của Brain Corporation sẽ tạo sự thay đổi lớn trong ngành công nghệ robot. Trong nhiều thập kỉ qua, những gì robot có thể làm cần phải được lập trình trước và việc lập trình theo cách truyền thống khá tốn kém trong khi kĩ thuật mới của Brain mang tính tự nhiên và dễ dàng hơn nhiều.

Các quan chức của hãng không tiết lộ chi tiết cách chức BrainOS hoạt động, tuy nhiên đại diện hãng cũng cho biết hệ điều hành này sẽ được tung ra thị trường vào mùa Thu tới thông qua bStem Developer kit. Bộ công cụ gồm một bo mạch in nhỏ cỡ 3x3 inch tích hợp chip Qualcomm Snapdragon S4 Pro, 15 cảm biến để ghi nhận hình ảnh, âm thanh các loại và một vi mạch cấu trúc mảng phần tử logic có thể lập trình được (field-programmable gate array - FPGA) cho việc điều khiển robot.

Brain được thành lập vào năm 2009 và nhận được sự hỗ trợ của Qualcomm để phát triển chip Zeroth có khả năng nhận thức và học hỏi giống bộ não con người. Zeroth có thể không xuất hiện chính thức trên thị trường tuy nhiên Qualcomm đã ứng dụng công nghệ đạt được trong điện thoại di động, chẳng hạn một số thuật toán nhận dạng ngữ cảnh và định vị người dùng được hãng tích hợp trong dòng chip Snapdragon 800.

Bên cạnh đó, Brain cũng nhận được một phần kinh phí hỗ trợ từ dự án “Brain Initiative” để hiểu rõ hơn về bộ não con người. Dự án của Nhà Trắng nhằm tìm hiểu thông tin chi tiết của não bộ, tiến tới việc tìm ra phương pháp điều trị các bệnh như Alzheimer, tự kỉ, đột quỵ và tổn thương não do chấn thương.

Công nghệ robot hiện thu hút sự chú ý của nhiều công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin như Amazon và Google. Amazon có kế hoạch triển khai dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái và đang hoàn tất thử nghiệm nhiều thiết bị bay không người lái có hình dạng, kích cỡ khác nhau.

Công nghệ robot cũng ngày càng được sử dụng phổ biến hơn trong các trường học như một cách tương tác để thúc đẩy STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học). Một số robot, chẳng hạn PiBot do các sinh viên tạo ra bằng cách sử dụng Arduino, một bo mạch vi điều khiển với chip xử lí 8-bit Atmel AVR 8 bit hoặc 32-bit. Phần mềm đi kèm gồm trình biên dịch ngôn ngữ lập trình chuẩn và một bộ nạp khởi động, để có thể thực hiện các lệnh trên bộ vi điều khiển.

Vào cuối năm nay, Intel dự kiến sẽ trình làng mẫu robot đầu tiên cao khoảng 45 cm có tên gọi Jimmy chạy hệ điều hành Linux và được lập trình bằng ngôn ngữ HTML5 vốn được sử dụng phổ biến trong các ứng dụng điện thoại di động. Điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng và máy tính có thể kiểm soát robot. Intel cho biết ngôn ngữ HTML5 là cách để đưa công nghệ robot vào kỉ nguyên di động.

Các hệ điều hành mới hơn và những công cụ lập trình đang cố gắng lật đổ sự thống trị của Robotics Operating System, hệ điều hành mã nguồn mở được giới thiệu vào năm 2007 được sử dụng trong robot đi bộ và xe tự lái.

Bên cạnh BrainOS, hãng cũng tích hợp ROS trong bộ công cụ phát triển do tính phổ biến của hệ điều hành này trong các nhà sản xuất robot.

Theo PC World VN.



Bình luận

  • TTCN (0)