Người dùng Internet đang rất lo ngại trước quyết định của một toà án Mĩ, yêu cầu Google cung cấp mọi địa chỉ IP và tên đăng nhập khách hàng xem video trên YouTube cho hãng thứ ba là tập đoạn truyền thông Viacom.
Google sẽ phải cung cấp mọi thông tin trên cho tập đoàn truyền thông Viacom để sử dụng trong vụ kiện bản quyền hàng tỉ đô la chống lại Google. Viacom cho rằng người dùng YouTube đưa các chương trình truyền hình lên website chia sẻ video nổi tiếng này mà không có bản quyền.
Một quan chức của Google, Catherine Lacavera bày tỏ: “Chúng tôi thật sự thất vọng khi toà đồng ý với yêu cầu quá đáng của Viacom”. Google cũng “gỡ gạc” được một chút khi vị quan toà từ chối yêu cầu Viacom đòi biết cả cơ chế tìm kiếm video trên Youtube và thậm chí tìm kiếm web. Ông cũng không chấp nhận đòi hỏi truy cập được vào các file video gốc, các đoạn video được gắn nhãn “cá nhân” lưu trữ trên máy chủ Google.
Đây là kết quả cuộc đối đầu quyết liệt giữa Google với Viacom đòi hỏi các điều trên để “có thêm bằng chứng”. Lacavera cho biết “Chúng tôi cũng hài lòng khi toà giới hạn yêu cầu của Viacom, bao gồm quyền truy cập vào các đoạn video cá nhân và công nghệ tìm kiếm của Google. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ sự riêng tư của người dùng bằng cách chuyển chúng thành nặc danh trước khi đưa cho Viacom.”
Google khẳng định vụ kiện xâm phạm các nền móng cơ bản của Internet, trong khi Viacom cho rằng gã khổng lồ tìm kiếm, đặc biệt là "con cưng" YouTube, đang vi phạm nặng nề luật bản quyền. Vụ kiện của Viacom được xử lý chung với khiếu kiện của Hiệp hội Bóng đá Anh, tố cáo các đoạn video bóng đá được tải lên YouTube thường xuyên không có bản quyền. Google tự bảo vệ bằng một điều luật năm 1998 của Mĩ, khẳng định các hãng Inernet không chịu trách nhiệm trước các nội dung người dùng đưa lên site.
Quan toà Louis Stanton phớt lờ các mối quan ngại về quyền tự do cá nhân vào hôm thứ Ba khi đòi hỏi Google cung cấp tên đăng nhập của người dùng YouTube và các địa chỉ IP nhằm dò ra vị trí máy tính đã dùng xem video.
Đại diện trước toà của tổ chức Bảo vệ quyền lợi người dùng Internet EFF, Kurt Opsahl, cho rằng quyết định của quan toà đảo ngược các quyền tự do cá nhân cơ bản. Quan toà phớt lờ luật Liên bang và cả nghiên cứu cho thấy có thể tìm hiểu thói quen người dùng mà không cần cả tên đăng nhập lẫn địa chỉ IP: “Quyết định sai lầm của toà là bước thụt lùi nghiêm trọng của quyền tự do cá nhân”. Về phần mình, Viacom tuyên bố kết quả thu được sẽ chỉ nhằm phục vụ cho vụ kiện của Google và sẽ không để lộ thông tin người dùng xem các đoạn video có bản quyền.
Một số chuyên viên bình luận Viacom chỉ lợi dụng vụ kiện nhằm thương thảo trực tiếp với Google, chứ không thực sự “đi đến cùng”. Mục đích sau cùng của Viacom có lẽ là “móc túi” Google tiền bản quyền cho các đoạn video trên YouTube. Viacom, tập đoàn sở hữu hơn 130 kênh truyền hình khắp thế giới, lại khẳng định hãng không còn cách nào khác sau khi “nhiều thương thảo thất bại” với Google “không thay đổi được cách kinh doanh trái luật của hãng này”.
Theo Dân trí/AFP
Bình luận
Sao mình nhớ là khi upload các video do Viacom giữ bản quyền, cơ chế quét tự động của YouTube sẽ thông báo, đánh dấu clip đó (chứ không xoá đi), để sau này đăng quảng cáo và trả tiền cho Viacom mà ta ?