Trong tương lai, hành trình chạy xe ôtô về nhà sẽ giống như vầy. Khi bạn ra khỏi văn phòng, một chiếc xe không người lái sẽ có mặt ngay trước cửa. Trên đường về nhà, bạn nghe nhạc, xem tivi, hoặc nghe tin tức. Bạn hầu như chẳng để ý chiếc xe đang đi chậm hay nhanh, chỉ ngoại trừ lúc xe lách sang một bên để nhường đường cho xe cứu thương chạy qua. Khi về đến nhà, chiếc xe tự động chạy đi chở vị khách kế tiếp hoặc đỗ ở đâu đó chờ gọi điện. Bạn không quan tâm điều này, vì suy cho cùng đó không phải là xe của bạn: bạn gọi dịch vụ đưa đón chỉ khi nào cần mà thôi.

Những hình ảnh về tương lai như thế không có gì lạ. Gã khổng lồ công nghệ Google đã tạo ra chiếc ôtô không người lái, sử dụng các cảm biến để giúp xe tự điều khiển. Xe hoàn toàn không có người lái sẽ còn một thời gian dài nữa mới thịnh hành, nhưng xe có kết nối internet là hoàn toàn có thể. Nói cách khác, loại xe này là “thì tương lai gần” của xe không người lái.

Xe có kết nối internet có thể giao tiếp không dây với nhau và nhờ được trang bị hệ thống quản lí giao thông, chúng có thể tránh người đi bộ và những xe khác, tìm con đường ngắn nhất, ít kẹt xe nhất cũng như tìm các điểm đỗ xe còn trống. Với sự hỗ trợ của công nghệ, chúng có thể giúp người lái xe và hành khách không phải lãng phí khoảng 90 tỉ giờ đồng hồ trong những lần tắc nghẽn giao thông mỗi năm như hiện nay. Tại một số thành phố đầy nghẹt ôtô, có tới 1/3 nhiên liệu sử dụng bị tổn hao vào việc tìm chỗ để đậu xe. Và quan trọng hơn là chúng có thể đảm bảo an toàn cho người đi xe.

Hiện tại, có không ít dự án thử nghiệm về xe có kết nối mạng. Khoảng 3.000 người ở Michigan đã gắn thiết bị kết nối không dây vào xe của họ. Chúng có nhiệm vụ giao tiếp thông tin qua lại với các xe khác. Hệ thống, ví dụ, sẽ khuyến cáo người lái không được vượt qua mặt một xe khác vì nguy cơ xảy ra va chạm là rất cao. Số xe tham gia vào dự án này có thể tăng gấp 3 lần trong vài năm tới.

Những hệ thống như vậy bắt đầu xuất hiện trong các dòng xe mới. Một số thiết bị hỗ trợ lái xe tiên tiến nhất có mặt trong vài mẫu xe của Mercedes-Benz. Những chiếc xe này có thể tự lái một phần. Chẳng hạn, hệ thống “Lái thông minh” mới của hãng xe Đức này có một đặc điểm là di chuyển với tốc độ chưa tới 60 km/h khi kẹt xe, cho phép người lái để xe tự động điều khiển, thắng và tăng tốc. Hệ thống sử dụng cả các cảm biến siêu âm và ra-đa cùng với các camera theo dõi xung quanh xe.

Số xe có tính năng kết nối mạng hiện tại rất thấp, có lẽ chỉ khoảng 8% tổng số xe trên toàn cầu, theo hãng tư vấn McKinsey. Nhưng đến năm 2020, khoảng 25% tổng số ôtô, chủ yếu là loại đắt tiền, sẽ được kết nối mạng. Quá trình xây dựng một hạm đội xe có kết nối mạng hùng hậu sẽ khá chậm, vì nhiều xe cũ đã có mặt trên các con đường từ hàng năm nay. Tuy nhiên, đối với các dòng xe mới, mọi thứ đang thay đổi rất rõ rệt. BMW đã gắn thẻ SIM kết nối di động trong tất cả các xe mới của mình kể từ tháng 4. Đến năm 2020, khoảng 90% mẫu xe mới của tất cả các nhà sản xuất dự kiến sẽ có kết nối mạng, theo hãng tư vấn Machina Research.

Thị trường thiết bị kết nối cũng đang bắt đầu hấp dẫn. Một báo cáo gần đây bởi Hiệp hội di động GSMA cho biết doanh thu từ việc bán các dịch vụ có trong xe, phần cứng và cung cấp dịch vụ kết nối mạng sẽ tăng gấp 3 trong vòng 5 năm đạt 39 tỉ USD vào năm 2018. Machina dự báo con số này sẽ tăng lên mức 422 tỉ USD vào năm 2022.

Người mua ôtô được cho rằng sẽ “mê mẩn” với các dịch vụ kết nối mạng trong xe một khi họ thấy được tận mắt “sự lợi hại” của chúng. Việc xe tự động gọi dịch vụ khẩn cấp trong trường hợp xảy ra tai nạn được nhiều người lái xe đánh giá là một tính năng đáng chú ý của hệ thống dẫn đường và an toàn có kết nối internnet với tên gọi là OnStar của hãng xe GM. Hệ thống này cho phép xe vận hành như một chiếc điện thoại di động. Một ứng dụng riêng lẻ cũng cho phép người sử dụng hệ thống OnStar khóa hoặc mở khóa cửa xe từ xa, khởi động động cơ và tìm xe trên bản đồ nếu người lái quên mất nơi đậu xe. GM đang đặt mục tiêu đưa dịch vụ này có mặt ở gần như tất cả mọi ôtô của hãng trên toàn thế giới vào năm 2015.

Nhưng các cơ quan quản lí có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ này. Liên minh châu Âu muốn một hệ thống tự động cầu cứu khi có va chạm xảy ra được gắn vào tất cả xe mới vào năm 2015. Nga cũng có kế hoạch tương tự và các xe ở Brazil sẽ cần phải gắn hệ thống theo dõi như một cách để giảm tình trạng ăn cắp xe.

Theo Nhipcaudautu.



Bình luận

  • TTCN (0)