Định "xông pha" vào mảnh đất quảng cáo trên mạng, Lê Hoài Nam, Giám đốc công ty Thiên Hùng, đi đăng ký hotrotructuyen.vn ở một đại lý và không ngờ tên miền sau đó thuộc sở hữu của chính đại lý này vào cùng ngày.
16 giờ 30 ngày 24/6/2008, nhân viên Vũ Văn Thắng thuộc đại lý Kiến Cường của Trung tâm Internet Điện lực EVN sau khi kiểm tra sự tồn tại của tên miền và giao hợp đồng cho Thiên Hùng vài giờ đã đề nghị công ty này bỏ hotrotructuyen.vn khỏi hợp đồng. Lý do Kiến Cường đưa ra là tên miền đã được chính họ đăng ký trước đó vào buổi sáng.
Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Nguyễn Tấn Hiệp của Kiến Cường cho biết ông đã đăng ký tên miền này sáng ngày 24/6 rồi đi TP HCM lúc 14 giờ 30 nên không biết có hợp đồng với Thiên Hùng. Hợp đồng mà Thiên Hùng đang cầm chỉ đơn giản là... hợp đồng mẫu có con dấu và chữ ký sẵn của giám đốc.
"Nhưng tại điều 4.2 nói rõ trong trường hợp bên A (Thiên Hùng) đã thanh toán cho bên B (Kiến Cường) nhưng tên miền không đăng ký được, bên B hoàn lại tiền...", ông Lê Hoài Nam lập luận. "Như vậy, chúng tôi chỉ chấp nhận mất hotrotructuyen.vn khi Kiến Cường không đăng ký được tên miền này, còn thực tế là họ đã đăng ký được rồi và phải giao cho chúng tôi theo đúng hợp đồng, theo điều 5.3 là Hai bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng, bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật".
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc Trung tâm Internet Điện lực EVN, cho biết họ đang phối hợp với các phòng ban kỹ thuật và kinh doanh trong công ty cùng Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) để làm rõ tranh chấp này.
Tại Việt Nam, hệ thống đăng ký và cấp phát tên miền được tổ chức như sau: VNNIC là cơ quan có quyền quyết định cấp phát tên miền được đăng ký tại các nhà đăng ký như FPT, Hi-tek, PA, VDC, Mắt Bão, Netsoft, Gltec, Netnam, SPT, Viettel, EVN... Dưới các nhà đăng ký lớn này là các đại lý nhỏ - sau khi ký hợp đồng với khách sẽ đưa hồ sơ lên để nhà đăng ký đưa tên miền vào vào hệ thống của họ. Từ ngày 15/6/2008, VNNIC trao quyền duyệt cấp phát trước cho các nhà đăng ký và giữ vai trò cấp phát sau cùng (khi đã hoàn thành các thủ tục hành chính) và hậu kiểm.
Điểm mấu chốt trong các tranh chấp như vụ việc giữa Thiên Hùng và Kiến Cường chính là thời gian đăng ký. Nguyên tắc của các cơ quan cấp phát tên miền trên thế giới đều là "Đăng ký trước, cấp phát trước". Tuy nhiên, hệ thống của VNNIC và một số nhà đăng ký không công khai thời gian đăng ký tính bằng giờ, phút lên trang web mà chỉ cung cấp ngày cấp phát cuối cùng, nên khi tranh chấp xảy ra, khách hàng không có thông tin ngay để dễ giải quyết. Hơn nữa, hợp đồng đăng ký mà Kiến Cường chuyển cho EVN là hợp đồng đại lý bao gồm rất nhiều tên miền của khách mà không có xác nhận riêng lẻ là đăng ký cho riêng công ty này.
Hiện nay, quy trình đi đăng ký tên miền mới thực hiện trên giấy tờ mà không làm trực tiếp với hệ thống máy tính và cơ sở dữ liệu của các nhà đăng ký, khiến việc này có thể bị chậm tiến độ do các trục trặc về ngoại cảnh. Thông thường, nếu khách hàng chọn đại lý để đăng ký tên miền thì sẽ chịu rủi ro để mất domain họ cần vào tay người khác vì phải tốn thời gian ghi trên các bản khai và hợp đồng, phải chờ đại lý nộp hồ sơ lên nhà đăng ký, phải chờ nhà đăng ký nhập tên miền vào hệ thống của họ. Hợp đồng đăng ký có điều khoản quy định trách nhiệm bên B: "Hoàn thành việc khởi tạo tên miền từ 1 đến 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ thông tin và thanh toán của bên A" nên khoảng thời gian dài này cũng đồng nghĩa với việc khách hàng ký hợp đồng xong cũng không chắc chắn có được tên miền vì bị "xen ngang".
Trước đây, khi tên miền cấp cao .vn chỉ được cấp phát cho các tổ chức và doanh nghiệp mà từ chối cá nhân, một số khách hàng chưa đủ điều kiện về giấy tờ hoặc thiếu hiểu biết đã nhờ các đại lý đứng tên đăng ký hộ, đồng thời thuê hosting cho trang web tại đó. Sau này, khi lập doanh nghiệp và gắn thương hiệu với tên miền, họ không thoát được ràng buộc với đại lý và không ít người đã phải trả tiền oan để đại lý ngừng duy trì domain và đăng ký lại cho họ. Cũng trong thời gian này, một số đại lý đã trở thành công ty đầu cơ tên miền với khá nhiều domain không thuộc ngành nghề và trùng với thương hiệu của nhiều hãng nổi tiếng. Nhưng điều này các công ty phải chấp nhận vì tên miền không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và tuân theo nguyên tắc "Đăng ký trước, cấp phát trước". Ngoài ra, còn có khách hàng không rành về thủ tục và ngại làm giấy tờ cũng nhờ các đại lý đứng tên đăng ký cho cả... tên miền quốc tế và cũng bị ép thuê hosting giá cao.
"Khách hàng nên chọn các nhà đăng ký lớn để 'gửi vàng' vì tên miền là tài sản quý giá khi nó đồng nghĩa với thương hiệu", ông Trần Ngọc Quang, Trưởng phòng Dịch vụ tên miền tại công ty Dữ Liệu Trực Tuyến FPT, nhận định. "Có thể luật CNTT còn nhiều thiếu sót nhưng đạo đức nghề nghiệp và uy tín chính là yếu tố sống còn mà các đại lý và nhà đăng ký như chúng tôi phải quan tâm khi triển khai dịch vụ đăng ký tên miền".
Trên website của VNNIC có đăng danh sách các nhà đăng ký, địa điểm tiếp nhận hồ sơ, quy tắc đặt tên miền để khách hàng tham khảo kỹ trước khi quyết định. Sau đó, họ có thể tra tại ô "Whois - Kiểm tra sự tồn tại của tên miền" lần nữa để đảm bảo tên miền đã đứng tên họ. "Trong trường hợp có tranh chấp, hai bên cố gắng thương lượng để dàn xếp hoặc phải ra tòa để xác định quyền lợi", ông Nguyễn Duy Dương, phụ trách quan hệ công chúng của VNNIC, cho biết. "Trung tâm Internet Việt Nam không có thẩm quyền tiếp nhận khiếu nại giữa đại lý với khách hàng của họ".
(Theo VnExpress)
Bình luận
VnExpress đăng vụ này rồi à. Chắc là không kiện được đâu (có thắng thì cũng mất nhiều hơn). Kinh nghiệm khi đăng kí là phải chọn đại lí uy tín chút.
Mất mấy buổi họp cty để chọn ra tên miền phù hợp, ra đăng kí thì bị lấy mất. Cú nhỉ! Nhưng biết làm sao bây giờ, đại lí nắm đằng chuôi mà, quan trọng là họ có muốn tạo lập uy tín không thôi.
Cho dù không thắng được thì cũng phải cho cái đại lý kia mất hết uy tín đi. Làm ăn kiểu đó mà cũng chấp nhận được.
Đáng lẽ phải có luật là đại lý không được phép mua tên miền (họ cũng có thể lách luật bằng cách để nhân viên hay người quen mua, nhưng ko trắng trợn được như trường hợp này)
Hài nhất là đoạn này:
làm thế này thì dễ quá, tham nhũng tiền tỉ rồi "ơ tôi có biết gì đâu" dễ như không.
Uy tín thì sau vụ này đằng nào nó cũng mất rồi. Và giờ đây chẳng còn gì để mất nữa. Mà theo người của KCCVN nói thì từ trước đến giờ KCCVN vẫn luôn là kẻ đầu cơ tên miền mà. Tội cho doanh nghiệp lỡ dại.
Chuyện thường ở ... các đại lý cung cấp tên miền mà.
Nói chung là chịu mất tiền ở các đại lý uy tín một tí thì độ rủi ro sẽ thấp hơn (không có nghĩa là bạn sẽ không gặp rắc rối). Về mấy cái chuyện tên miền thì tôi gặp đau thương cũng không ít. Mất tiền thì không tiếc, chỉ tiếc nếu mất tên miền, đôi khi mua thêm sự bực tức vào người. Hehe, đây là câu chuyện mua tên miền của tôi: http://bit.ly/c9uEJC thật 100%. Ngoài ra hôm rồi còn đòi được tiền gia hạn 3 domain đó (tưởng đã mất trắng cách đây 1 năm rưỡi rồi). Không biết họ giải quyết cho mình có phải vì mình có thể làm rùm beng vụ này ko (mình đã chốt hạ vụ này bằng một cái email 'đòi trả lại tiền nếu ko đừng có trách'). Dù sao mình cũng đã hứa sẽ 'bỏ qua' vụ này rồi nên sẽ không kể tên cty kia nữa.
Ôi khổ thân cái ông Thiên Hùng!
Ôi khổ thân cái ông Thiên Hùng! mới lập nghiệp mà đã bị thằng cu kcc nó chơi bẩn quả này chắc trùn tay, nhưng mà nó dám đấu đầu thế này là cũng được đấy. mình thích hội này rồi, mà cái tên miền chodem.vn và choden.vn sao kcc không lấy nốt của thiên hùng nhỉ? tội nghiệp!
cty thiên hùng này được đấy!
tôi nghĩ là thiên hùng làm thế này được đấy, cho cái bọn buôn thúng bán mẹt về vườn luôn, mà hôm trước thấy có tin đồn anh thuý hay thuỷ gì đấy xuông công ty thiên hùng chơi hay sao ấy? hình như thằng em thiên hùng là con cháu ông nào ấy. mà thằng em giám đốc bên đấy ngon rai phết. ông em kcc ăn đủ vụ này cho xem!
Ngon rai không thật ko đấy!
Ngon rai không thật ko đấy! nhưng mà ngon hay không ngon thì tôi cũng thích rồi, trẻ mà bản lĩnh như thế là ổn rồi!
mà các bác ơi cho em hỏi kcc là gì thế nó ở lào sang đây kinh doanh ah?
Vì đăng kí tên miền .vn nên nó nhiêu khê vậy, chứ đăng kí .com thì trả tiền cái là dùng được ngay, chậm vài phút là xong. Trong vụ tranh chấp này (chưa biết ai đúng ai sai), thì kí hợp đồng dù có sớm nhưng hồ sơ chuyển qua VNNIC trễ thì cũng như không.