Các nhà sản xuất TV mỏng đã sử dụng một loại khí Nitrogen trifluoride trong việc chế tạo ra chủng loại TV thời trang thế hệ mới. Về khả năng làm nóng trái đất, loại khí này có tác động mạnh gấp 17.000 lần so với carbonic, một nhà khoa học môi trường của Mỹ vừa cảnh báo.
Nhu cầu sử dụng TV mỏng ngày càng tăng mạnh có thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hiện tượng nóng lên của trái đất. Vấn đề này nguy hiểm hơn nhiều so với những nhà máy năng lượng lớn nhất thế giới sử dụng than đá, ông Michael Prather, tiến sĩ thuộc Viện nghiên cứu môi trường của Đại học Califnornia, cho biết. Theo ông, khi loại TV này trở nên phổ biến, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính được sử dụng trong các TV mỏng hằng năm lên tới khoảng 4.000 tấn.
Theo tiến sĩ Prather, khí này sẽ tồn tại trong bầu khí quyển lâu tới 550 năm, và năm nay đã bắt đầu vào giai đoạn bùng phát. Lượng khí này có thể nhân đôi vào năm tới. Không như các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác chẳng hạn như carbonic, SF6 (sulphur hexafluoride) hay PFC (perflourocarbons), lượng Nitrogen trifluoride thải ra chưa được kiểm soát bởi cam kết quốc tế Kyoto Protocol hay bất cứ cam kết tương tự nào.
Trong một bài báo trên tạp chí Geophysical Research Letters - tiến sĩ Prather và đồng nghiệp, Juno Hsu, đã chỉ ra lượng khí này được tạo ra trong năm nay tương đương với 67 tấn CO2, tức là nó gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn bất cứ nguồn thải khí PFC hoặc SF6 của các nước công nghiệp nào, thậm chí là hơn cả lượng khí thải từ các nhà máy sản xuất năng lượng từ than đá lớn nhất thế giới hiện nay.
Lường trước mối nguy hại, liên doanh chuyên sản xuất màn hình cho TV mỏng Toshiba Matsushita Display Technology đã tiên phong tuyên bố sẽ tránh sử dụng khí này. Tuy nhiên, nhà cung cấp nguồn khí hiếm và hóa chất hàng đầu thế giới, hãng Air Products, vẫn khẳng định có rất ít khí Nitrogen trifluoride đã lọt vào bầu khí quyển.
(Theo Tuoitre Online/Theage)
Bình luận
Đề bài viết làm người ta nghĩ là TV thải ra khí độc. Thực ra là nhà máy sản xuất TV! :p