1. Quản lí các tài khoản đăng nhập

Chromebook là những mẫu máy tính xách tay được bán trên thị trường với tiêu chí "dành cho tất cả mọi người". Thông thường, bất cứ ai có được chiếc Chromebook của bạn đều có thể kết nối vào tài khoản Google của họ và đăng nhập để sử dụng máy. Tuy nhiên, họ sẽ không thể truy cập dữ liệu của bạn.

Nếu muốn hạn chế quyền truy cập vào máy tính xách tay Chrome của mình, bạn có thể mở màn hình cài đặt Settings của Chrome và kiểm soát những người có thể đăng nhập. Chỉ có "chủ sở hữu" của Chromebook có thể làm điều này.

Tài khoản đầu tiên bạn đăng nhập vào Chromebook sẽ trở thành tài khoản chủ sở hữu. Bạn sẽ tìm thấy các tùy chọn quản lí việc đăng nhập trong màn hình Settings, nằm trong nhóm Users. Bạn cũng có thể sử dụng các tùy chọn trong này để đặt mật khẩu mỗi khi mở máy. Mặc định, Chrome sẽ được đánh thức từ chế độ ngủ mà không nhắc bạn nhập mật khẩu. Điều đó tuy nhanh chóng và thuận tiện nhưng không an toàn chút nào.

2. Truy xuất màn hình Windows, Mac và Linux từ xa

Bạn không thể chạy các chương trình Windows trên Chromebook, nhưng vẫn có thể truy cập vào màn hình Desktop máy tính Windows, Mac và Linux từ xa. Cửa hàng trực tuyến Chrome Web Store có cung cấp những ứng dụng VNC client cho phép kết nối tới những VNC server truyền thống.

Tuy nhiên, thực tế thì hệ điều hành Chrome OS được Google tích hợp những tính năng truy xuất từ xa (remote desktop). Bạn có thể sử dụng chúng để truy cập vào máy tính PC để bàn từ một Chromebook hoặc để chạy từ xa những ứng dụng Windows.

Để làm điều này, hãy cài đặt ứng dụng Chrome Remote Desktop vào máy tính Chrome của bạn. Sau đó bạn có thể kích hoạt tùy chọn "Enable remote connections" và kết nối với máy tính PC từ Chromebook bằng cách sử dụng ứng dụng trên. Đây không phải là một tính năng chỉ dành cho Chrome OS.

Bạn cũng có thể sử dụng trình duyệt Google Chrome để truy cập từ xa Windows, Mac, Linux và bất kì loại máy tính nào khác, cho dù bạn có Chromebook hay không.

3. In qua Google Cloud Print

Nếu cần in một cái gì đó, bạn nên biết rằng không thể cắm trực tiếp Chromebook vào máy in và in nó ra một cách đơn giản giống như máy tính Windows hay máy Mac. Tuy nhiên, bạn có thể thiết lập tính năng Google Cloud Print và sử dụng nó để in từ xa đến những máy in được hỗ trợ từ máy tính Chromebook.

Có hai cách để thiết lập Google Cloud Print. Hoặc bạn cần phải có một máy in hỗ trợ Google Cloud Print, hoặc có thể cài đặt trình duyệt Chrome trên máy tính PC đang kết nối với một máy in truyền thống và thiết lập kết nối dịch vụ Google Cloud Print để cho phép in từ xa đến máy tính đó.

Nó cũng cho phép bạn in ra máy in Google Cloud Print trên Internet. Nhấn vào tùy chọn Print trong trình đơn của trình duyệt Chrome, nhấn nút Change trong mục Destination và sử dụng tùy chọn Google Cloud Print trong thiết lập này. Chrome OS cũng bao gồm khả năng in thành một tập tin PDF, vì vậy bạn có thể in ra tập tin PDF và sau đó chép tập tin PDF này để in từ một máy tính khác nếu bạn muốn.

4. Dùng Powerwash để xóa dữ liệu cá nhân

Chrome OS đi kèm tính năng "Powerwash" có chức năng tương tự như tùy chọn Refresh hoặc Reset trên Windows 8. Quá trình này sẽ thực hiện thiết lập Chromebook trở lại trạng thái ban đầu như vừa xuất xưởng khỏi nhà máy (factory-reset) và gỡ bỏ mọi dữ liệu cá nhân của bạn. Điều đó thật lí tưởng khi bạn muốn nhượng lại Chromebook của mình cho người khác.

Thao tác này cũng giống như việc cài đặt lại hệ điều hành Windows hoặc thực hiện factory-reset một máy tính bảng. Bạn sẽ tìm thấy tùy chọn này trên màn hình Settings. Nhấn vào liên kết "Show advanced settings" và cuộn xuống phía dưới cùng, bạn sẽ thấy nút Powerwash để reset.

5. Tạo phím tắt

Muốn tạo phím tắt riêng của mình trên hệ điều hành Chrome OS, bạn có thể sử dụng ứng dụng mở rộng Shortcut Manager. Nó cho phép bạn gán các phím tắt bàn phím tùy ý cho tất cả mọi thứ, từ những thao tác điều khiển trong trình duyệt cho đến khả năng chạy bookmarklet JavaScript trên trang hiện tại.

Nếu là một fan hâm mộ của AutoHotkey trên Windows, bạn sẽ thấy rằng ứng dụng mở rộng này có thể thay thế nhiều loại phím tắt mà bạn tạo ra bằng phần mềm AutoHotkey.

6. Xem các tập tin nội bộ

Chromebook của bạn không chỉ là một chiếc máy tính để bạn duyệt web. Nó còn bao gồm một ứng dụng Files cùng với các trình xem tập tin cục bộ cho phép xem video, nghe nhạc, đọc tập tin PDF và các tài liệu Microsoft Office, xem hình ảnh và nhiều hơn nữa. Bạn có thể tải về tất cả các loại tập tin đa phương tiện và mở chúng sau bằng ứng dụng Files.

7. Phục hồi Chrome OS từ ổ USB

Chromebook có một chế độ phục hồi cho phép bạn cài đặt lại hệ điều hành Chrome OS nếu phần mềm trong Chromebook của bạn bị hỏng. Tuy nhiên, tính năng này không hoạt động trừ khi bạn đang trong chế độ Developer Mode.

Để khôi phục lại hệ điều hành Chrome OS, bạn sẽ cần phải tạo ra một ổ đĩa phục hồi. Bạn có thể làm điều này bằng cách tải về và chạy Chrome Recovery Tool của Google cho Windows, Mac, hoặc Linux. Bạn cũng có thể tạo ra một ổ đĩa phục hồi trên chính hệ điều hành Chrome OS.

Chỉ cần nhập "chrome://imageburner" vào thanh địa chỉ trên Chromebook và bạn sẽ truy cập vào giao diện phục hồi. Dữ liệu phục hồi có thể được sao chép vào một ổ USB hoặc thẻ SD. Để thực sự phục hồi toàn bộ hệ điều hành Chrome, bạn sẽ cần phải nhấn tổ hợp phím Escape + Refresh và giữ nút Power.

Thao tác này sẽ truy cập vào màn hình phục hồi Recovery. Những mẫu Chromebook cũ thường có nút phục hồi riêng mà bạn có thể tìm thấy thông tin trên trang web của Google.

8. Dùng chế độ Developer Mode để chạy Linux

Chromebook cho phép bạn vô hiệu hóa những tính năng bảo mật và kích hoạt chế độ Developer Mode. Trong chế độ này, bạn có thể hiệu chỉnh hệ điều hành Chrome OS theo tất cả những cách mà mình thích và khởi động các hệ điều hành khác, bao gồm cả Ubuntu và các hệ thống Linux để bàn truyền thống khác.

Bạn thậm chí có thể chạy hệ thống máy tính để bàn Linux song song với Chrome OS, chuyển đổi giữa chúng bằng hai phím nóng.

Theo PC World VN.



Bình luận

  • TTCN (0)