1. ILOVEYOU
ILOVEYOU được xem là một trong những vi rút nguy hiểm nhất trong lịch sử công nghệ, khi gây ra thiệt hại lên tới 10 tỉ USD, với khoảng 10% lượng PC trên toàn cầu bị lây nhiễm. Vi rút này được tạo ra bởi hai lập trình viên người Philippines là Reonel Ramones và Onel de Guzman.
Theo đó, ILOVEYOU lây nhiễm thông qua email, khi người sử dụng click vào tệp tin đính kèm được ngụy trang thành một lời tỏ tình. Sau đó, nó sẽ tự động gửi email đến những người khác trong danh sách địa chỉ liên hệ của người bị lây nhiễm. Điều đáng chú ý là hai tác giả của vi rút này không hề bị buộc tội, do thời điểm ấy (năm 2000), Philippines chưa có các quy định pháp luật liên quan đến phần mềm độc hại.
2. Code Red
Loại vi rút này được phát hiện lần đầu hồi năm 2001 bởi 2 nhân viên của eEye Digital Security. Tên của nó cũng được đặt khá nhanh, do bộ đôi này khi ấy đang uống loại nước ngọt có tên Code Red Mountain Dew. Mục tiêu của Code Red là các máy tính sử dụng máy chủ web Microsoft IIS với khả năng tự nhân bản và ngốn sạch tài nguyên hệ thống (một phần do lỗi lập trình). Sau đó, vi rút sẽ tổ chức các cuộc tấn công từ chối dịch vụ đến những website được chỉ định từ xa, gây ra thiệt hại ước tính lên đến 2 tỉ USD. Có tới 1-2 triệu máy chủ đã trở thành nạn nhân của Code Red. Con số này là rất lớn nếu bạn biết rằng thời ấy chỉ có 6 triệu máy chủ IIS trên toàn cầu.
3. Melissa
Được đặt theo tên của một vũ công ở Florida, vi rút này được tạo ra năm 1999 bởi David L. Smith. Để phát tán vi rút, Smith gửi các email chứa tệp tin dạng file word với tiêu đề là danh sách mật khẩu của các website khiêu dâm. Kết quả là rất nhiều người đã click vào đó và thiệt hại do Melissa gây ra ước tính khoảng 80 triệu USD. Smith cuối cùng cũng bị bắt, song ông đã hợp tác với FBI để bắt giữ một hacker khác. Nhờ vậy, Smith chỉ phải ngồi tù 20 tháng và nộp phạt 5.000 USD.
4. Sasser
Sasser được tạo ra năm 2004 bởi sinh viên ngành khoa học máy tính Sven Jaschan - cũng là tác giả của loại sâu Netsky. Tác động của vi rút này chỉ đơn giản là khiến máy bị chậm và treo, song cũng gây ra những rắc rối nghiêm trọng. Thiệt hại do sự phát tán của Sasser là 18 tỉ USD, với nạn nhân chủ yếu là các hãng hàng không, hãng thông tấn, giao thông, bệnh viện... Tuy vậy, Jaschan được xét xử như trẻ vị thành niên và chỉ phải chịu mức án 21 tháng án treo.
5. Zeus
Zeus là một trojan lây nhiễm trên các máy tính Windows để thực hiện nhiều nhiệm vụ đen tối khác nhau. Các tin tặc sử dụng Zeus để lấy cắp thông tin tài khoản email, mạng xã hội và cả ngân hàng của người dùng. Khoảng 70 triệu USD đã bị đánh cắp và chỉ tính riêng ở Mỹ, số máy tính bị lây nhiễm đã lên đến hơn 1 triệu. Khoảng 100 người đã bị bắt liên quan đến việc sử dụng Zeus. Trong khi đó, tác giả của vi rút này đã tuyên bố giải nghệ song nhiều chuyên gia về an ninh mạng vẫn lưu ý mọi người phải hết sức cảnh giác.
6. Conficker
Còn được biết đến với cái tên Downup hay Downadup, Conficker là sâu máy tính xuất hiện năm 2008 với sức lây nhiễm khủng khiếp: hơn 9 triệu máy. Lợi dụng lỗ hổng của hệ điều hành, Conficker tạo ra các botnet và từ đó tác động đến hệ thống máy tính của các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân. Ước tính thiệt hại do loại sâu này gây nên là khoảng 9 tỉ USD. Nó cũng khiến Microsoft và các công ty chuyên kinh doanh phần mềm diệt vi rút phải vất vả trong việc tung ra các bản cập nhật để vá lỗi và khắc phục hậu quả.
7. Mydoom
Nổi lên từ năm 2004 (và vẫn còn tồn tại hiện nay), Mydoom là vi rút lây nhiễm qua email nhanh nhất kể từ sau vụ ILOVEYOU. Tác giả của vi rút vẫn chưa bị lộ diện, song nhiều người tin rằng hacker này được trả tiền để tạo ra nó. Lí do là Mydoom mang theo cả một lời nhắn: "Andy, đây chỉ là công việc, không có gì riêng tư cả, tôi xin lỗi". Cũng có cách thức hoạt động như ILOVEYOU, Mydoom lan truyền qua email và các tệp tin đính kèm. Ước tính thiệt hại do vi rút này gây ra là khoảng 38,5 tỉ USD.
8. CryptoLocker
CryptoLocker là một trojan sử dụng rất nhiều phương thức lây nhiễm khác nhau, chẳng hạn như email. Khi lọt vào hệ thống, nó sẽ tiến hành mã hóa các file và cho dù vi rút có bị diệt bởi các phần mềm bảo mật, các file này vẫn tiếp tục bị khóa. Cách duy nhất để mở những file này là trả tiền chuộc và số tiền sẽ tăng lên nếu người dùng trì hoãn chi trả. Các hoạt động đòi tiền chuộc chỉ dừng lại sau khi Evgeniy Bogachev, người đứng đầu đường dây phát tán CryptoLocker bị bắt. Theo thống kê, khoảng 1,3% số nạn nhân của vi rút này đã đồng ý trả tiền, với con số lên tới 3 triệu USD.
9. Flashback
Mặc dù không gây ra thiệt hại quá lớn song Flashback vẫn được biết đến rộng rãi bởi nó là minh chứng cho thấy các máy tính Mac của Apple cũng có thể bị nhiễm vi rút. Trojan này được phát hiện lần đầu năm 2011 và lây nhiễm bằng cách giả mạo trình cài đặt phần mềm Flash. Có tới 600.000 máy Mac đã bị nhiễm Flashback, trong đó có 274 máy ở khu Cupertino - trụ sở chính của Apple. Thậm chí, hiện nay vẫn có khoảng 22.000 máy Mac đang mang loại vi rút này.
Theo Zing.
Bình luận