Việc phát triển thành dòng sản phẩm công nghiệp để chào hàng ra thị trường cũng chính là điều cả hai ấp ủ khi bắt tay vào thực hiện và xem đó là hướng đi quyết định.
Công nghệ in 3D ở Việt Nam còn khá mới mẻ và máy móc lại càng hiếm, giá thành cao. Hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị này và bán ra thị trường với giá rất cao, từ 25.000 - 100.000 USD/máy theo công nghệ SLS. Sở dĩ máy có giá thành cao là do kĩ thuật in 3D rất phức tạp. Nhiều quốc gia đã áp dụng để tạo ra những mô hình sản phẩm nhằm kiểm tra tính thẩm mĩ và phát hiện các lỗi thiết kế.
Từ thực tế thị trường Việt Nam, Liêm và Quyền đã nảy ra ý tưởng thiết kế mô hình máy in 3D. Sản phẩm đầu tiên có tính đột phá là máy in 3D thông thường, được điều khiển bằng 3 động cơ bước (step motor), chuyển động trên 3 trục X, Y, Z. Tuy vậy, sản phẩm này vẫn còn cồng kềnh, tính thẩm mĩ chưa cao nên hai bạn đã tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời máy in 3D thế hệ F2, F3.
Đến nay, máy in 3D Delta đã được hai bạn phát triển dựa trên thuật toán của robot song song. Máy có kích thước gọn và nhẹ bởi ba trục X, Y, Z được thiết kế tiêu giảm chỉ còn là những đường trục ảo, khả năng ứng dụng vì thế cũng cao hơn.
Máy sử dụng vi điều khiển ATmega2560 có khả năng nhận dữ liệu từ hầu hết những phần mềm thiết kế CAD thông dụng như: Solidworks, CATIA, Inventer, AutoCAD... Vật liệu hiện tại máy sử dụng là nhựa PLA hoặc ABS.
Ưu điểm vượt trội của sản phẩm cải tiến này là có thể tạo ra những chi tiết lồi lõm, dày mỏng khác nhau mà các máy in thông thường hiện nay không làm được. Riêng động cơ phải nhập từ nước ngoài với giá rất cao vì ở Việt Nam chưa có nơi nào sản xuất.
Sau 3 phiên bản được hoàn thành, gần đây nhất là phiên bản máy in 3D Delta, hai tác giả cũng đang ấp ủ dự định phát triển thành từng dòng sản phẩm riêng biệt nhằm đáp ứng những yêu cầu khác nhau của thị trường trong các lĩnh vực công nghệ thực phẩm, vật liệu xây dựng, cơ khí - chế tạo máy...
Hiện tại, hai bạn vẫn đang nghiên cứu để chế tạo máy in 3D ứng dụng vào việc làm ra những mẫu thực phẩm bằng sôcôla. Theo kế hoạch nghiên cứu phát triển sản phẩm, giá máy in 3D khi được sản xuất với số lượng lớn ở Việt Nam chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng/máy.
Sắp tới, hai bạn sẽ chế tạo mô hình máy in 3D Delta điều khiển nhờ chương trình số dựa trên G-code bằng phương pháp FDM (công nghệ nung nóng vật liệu đến trạng thái bán lỏng rồi đùn ra các sợi nhỏ đắp thành từng lớp tương ứng với mô hình 3D). Máy có khả năng tạo mẫu nhanh với độ chính xác từ 0,05 - 0,2 mm, gia công được các chi tiết có kích thước trong khoảng 200 x 100 x 150 mm.
Theo Doanh nhân Sài Gòn.
Bình luận