Chẳng ai cho rằng chiếc Apple Watch mới có thể sạc không dây. Trong khi việc sạc bằng cáp là chuyện hiển nhiên của sản phẩm Apple thì với Apple Watchcũng vậy, vẫn là kiểu gắn đồng hồ vào một thứ gì đó để sạc.
Ngược lại, Steve Rizzone thấy được một ngày nào đó không xa, khi mà đồng hồ thông minh, điện thoại thông minh và nhiều thiết bị di động nhỏ gọn khác sẽ có thể sạc không cần dây khi người dùng về nhà, lên văn phòng hoặc ngồi trong xe. Vì lúc ấy, không cần người dùng phải rời xa chiếc thiết bị thông minh mang trên người của mình nữa.
Rizzone hiện là CEO của Energous, đang đẩy mạnh công nghệ sạc không dây có tên là WattUp, có thể gửi tín hiệu điện sạc ở khoảng cách 3,5m sử dụng tần sóng radio. Công ty Pleasanton tại California, cũng có được ngân quỹ đóng góp hỗ trợ gần 25 triệu USD khi khởi nghiệp hồi đầu năm nay, cũng có kế hoạch tung ra thị trường sản phẩm sạc không dây thương mại vào dịp lễ Tạ ơn 2015.
Vậy nó là cái gì?
Bộ truyền WattUp hoạt động giống một router không dây, gửi tín hiệu tần sóng radio cho thiết bị di động có khả năng nhận được tín hiệu này như thiết bị đeo trên người và điện thoại di động. Một an-ten RF nhỏ tích hợp trong bản mạch in PCB, một chip chuyên dụng ASIC và phần mềm có thể tạo thành bộ nhận sóng không dây cấp điện.
Đặc tả không dây Bluetooth được sử dụng giữa bộ truyền WattUp và thiết bị nhận.
Bởi vì lượng điện năng WattUp có thể gửi là giới hạn nên Energous đang tập trung vào các thiết bị nhỏ gọn, di động thay vì laptop hoặc thiết bị có pin cần dung lượng lớn.
Một bộ truyền WattUp có thể sạc đến 24 thiết bị bằng phần mềm điều khiển, như có thể bật hoặc tắt tính năng sạc. Công suất tối đa là 4W, có thể truyền cùng lúc đến 4 thiết bị. Nếu thiết bị được cấp quyền sạc, thì bộ truyền bắt đầu truyền dòng điện sạc không dây đến thiết bị đó.
Cũng vậy, khoảng cách giữa bộ truyền và bộ nhận càng xa hơn thì lượng điện truyền tới cũng giảm theo khoảng cách. Ví dụ một bộ truyền WattUp có thể truyền 4 W điện trong vòng bán kính 1,5 m, nhưng từ 1,5 - 3 m thì điện năng giảm xuống còn 2 W/thiết bị, từ 3 - 4,5 m còn 1 W/thiết bị (tổng cộng 4 W).
Theo Energous, nếu sạc không dây trong vòng 1,5m cũng tương tự như người dùng cắm sạc thiết bị bằng cáp như hiện nay.
Bộ truyền RF của WattUp có thể hoạt động ở tần số 5,7 MHz và 5,8 MHz, và theo chuẩn công nghiệp, dải tần này thuộc sạc không dây “khoảng cách xa”. Energous không phải là công ty đầu tiên đưa ra ý tưởng sạc không dây.
Công ty khởi nghiệp uBeam được hỗ trợ vốn 750.000 USD cho công nghệ sóng siêu thanh để truyền điện đến thiết bị di động. Các đặc tả có thể khác nhau nhưng nguyên tắc là tương tự như của Energous.
Sạc không dây không phải mới nhưng hầu hết công nghệ khác sử dụng sự cộng hưởng từ tính để có thể truyền điện năng ở khoảng cách gần. Ví dụ như WiTricity đang bán bản quyền công nghệ sạc của họ sử dụng cho các thiết bị gia dụng và thiết bị trong ngành công nghiệp xe hơi.
Công nghệ WiTricity có thể truyền điện giữa hai lõi đồng tạo thành từ trường. Nhưng khoảng cách giữa hai bộ truyền khoảng bằng sải tay lại quá hạn chế. Các thiết bị tạm gọi là “bộ khuyếch đại” có thể mở rộng khoảng cách nhưng nhìn chung, để có khoảng cách xa hơn thì lõi đồng phải lớn hơn. Do vậy, nhiều chuyên gia không xem công nghệ WiTricity là sạc tầm xa, mà chỉ là sạc tầm gần.
Công nghệ sạc cộng hưởng từ cũng có vài ứng dụng khác do Duracell và một số công ty chuyên về thiết bị điện đưa ra, như tạo một tấm sạc không dây có thể sạc cùng lúc nhiều thiết bị, miễn là thiết bị đó đặt trên tấm sạc này. Vấn đề lớn nhất của sạc không dây từ trường là bạn phải đặt thiết bị di động của mình ở đúng vị trí thì mới có thể sạc được. Nhưng như vậy không còn mang ý nghĩa di động thực sự, nghĩa là bạn không thể mang thiết bị đi lòng vòng trong nhà mà nó vẫn được sạc.
Tuy vậy, theo một chuyên gia thị trường của ABI Research, sạc không dây có thể sẽ phí điện. Trung bình, 40% điện năng của điện lưới trong nhà bị phí vào các thiết bị như bộ chuyển mạch. Nếu bộ sạc không dây xuất hiện thêm nữa thì tỉ lệ này sẽ còn cao hơn. Nhưng dù vậy, ông này vẫn cho rằng công nghệ sạc không dây của WattUp rất tiềm năng.
Thị trường lớn
Công nghệ như của WiTricity một ngày nào đó rất có thể định hình ra một thị phần hẳn hoi trên thị trường, bởi vì nó dễ dùng. Theo công ty nghiên cứu thị trường Pike Research, doanh thu toàn cầu cho các thiết bị sạc không dây có thể đạt đến con số 15 tỉ USD vào năm 2020, và các hệ thống sạc dựa trên cộng hưởng từ sẽ chiếm đến hơn 80% thị trường.
Còn theo nghiên cứu của ÍH, 69% khách hàng vẫn không biết hoặc hiểu sạc không dây là gì. Khi người ta nghĩ về hai từ “không dây”, họ không hình dung được tấm sạc ngày nay đó là chúng ta đang sử dụng công nghệ cộng hưởng từ.
Nghiên cứu của IHS cũng chỉ ra rằng 78% người dùng có thể sẽ mua sạc không dây và 38% có thể trả phí cho sạc không dây ở những nơi công cộng.
Đối tác sản phẩm
Energous đang muốn tạo ra quan hệ đối tác với các nhà cung cấp cấp 2, là những công ty cung ứng linh kiện cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh và xe hơi.
Energous đang làm việc với Dialog Semiconductor (Đức) để chế tạo mạch tích hợp cho âm thanh và hình ảnh sử dụng trong điện thoại thông minh và ngành công nghiệp ô tô. Dong-Hwa (Nhật) cũng là một trong những nhà cung ứng thiết bị di động lớn nhất toàn cầu, cũng nhúng bộ nhấn sóng sạc không dây WattUp vào vỏ điện thoại.
Ngoài ra, Energous cũng bắt tay với các nhà sản xuất pin sạc như Highpower International và đang phát triển các thiết kế mẫu cho pin có khả năng sạc không dây của WattUp. Nên rất có thể trong tương lai, các thiết bị gia dụng như tủ lạnh, TV, thậm chí khung hình số cũng có thể sạc không dây.
Energous cũng hướng tới thị trường sạc cho thiết bị dùng dưới 1w để sạc các thiết bị đeo trên người ngay trong khi ngủ mà không phải tháo ra.
Nhưng trong khi Energous đang tao ra các mẫu sản phẩm router và bộ nhận sạc không dây thì họ lại không có kế hoạch gì về bán phần cứng, mà chỉ cấp bằng sáng chế cho các công ty khác mà thôi. Có thể trong triển lãm CES năm sau, họ sẽ có nhiều mẫu trưng bày cụ thể hơn.
Theo PC World VN.
Bình luận