Hiện nay, hầu hết các bao bì đều được sản xuất từ vật liệu khó phân hủy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường trong quá trình xử lí rác thải. Trước tình hình đó, một công ty Thụy Điển đã phát minh ra một loại bao bì mới có thể tự phân hủy và thậm chí có thể tự nấu chín thức ăn chứa bên trong.
Năm 2012, hai nhà thiết kế người Thụy Điển của công ty Tomorrow Machine mang tên Hannah Billqvist và Anna Glansén đã bắt đầu dự án “This Too Shall Pass” với mục đích nghiên cứu loại bao bì thực phẩm có thể tự phân hủy và nấu chín thức ăn bên trong.
Sản phẩm tiêu biểu nhất trong các bao bì loại này chính là Sustainable Expanding Bowl. Đây là một chiếc bát được tạo thành từ các sợi Cellulose, dùng để chứa thức ăn đông lạnh bên trong.
Khi thêm nước sôi vào trong bao bì, đồ ăn sẽ tự động được nấu chín và bao bì sẽ tự mở ra thành một chiếc bát.
Một sản phẩm khác được Tomorrow Machine giới thiệu là chiếc chộp đựng nước uống có thể tự phân hủy. Chiếc hộp được tạo ra từ một hỗn hợp của Agar (một chất keo được tạo ra bằng cách đun sôi polysaccharide trong táo đỏ) và nước. Khi đồ uống bên trong được hút hết, chiếc hộp sẽ bắt đầu co rút lại. Sau một tháng, chiếc hộp sẽ gần như biến mất hoàn toàn.
Công ty cũng tạo ra một loại bao bì dành cho đồ khô như gạo hay bột. Loại bao bì này làm từ sáp ong đã qua xử lí.
Lớp sáp mỏng như tờ giấy và có thể bóc ra giống như vỏ cam.
Ngoài ra, Tomorrow Machine còn phát triển một loại hộp đựng chất lỏng thân thiện với môi trường. Chiếc hộp được làm từ đường Caramel, phủ một lớp sáp ong bên ngoài và có thể mở bằng cách đập vỡ như đập một quả trứng. Chỉ mất vài phút, lớp đường sẽ hòa tan vào nước.
Hiện tại, mẫu bao bì mới vẫn đang được thử nghiệm và có thể thay đổi để sớm đưa ra thị trường.
Theo VTV.
Bình luận