Ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet (Over The Top - OTT) đang là một trong những kênh liên lạc có số lượng người sử dụng tăng nhanh chóng. Đối với nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đây còn là một kênh quảng bá sản phẩm, dịch vụ với chi phí rẻ, tiện lợi và nhanh chóng để tiếp cận với khách hàng tiềm năng. Trên thị trường hiện có khá nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT như Viber, Zalo, Line, KakaoTalk, WhatsApp…
Tuy nhiên, cũng giống như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống, vấn nạn tin nhắn rác đã xuất hiện và tấn công người dùng OTT với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn. Nội dung tin rác trên OTT đa dạng, từ thực phẩm chức năng chuyên giảm cân nam nữ, làm trắng da, tăng cường sinh lí... cho đến game, mua sắm trực tuyến, du lịch và thuốc lá điện tử. Các quảng cáo về lô đề, bán sim, game lậu, nội dung đồi trụy cũng có mặt trên OTT.
Anh Lâm Quốc Vinh (Thái Hà, Hà Nội) thường xuyên than phiền về việc sáng nào cũng nhận tin rác trên OTT. "Chẳng có ngày nào tôi không nhận mấy tin này, chủ yếu là rao bán sim số đẹp với thực phẩm chức năng", anh cho biết. Trước đây, anh Vinh cài tới 4, 5 ứng dụng OTT trên điện thoại nhưng sau khi bị làm phiền thường xuyên đã phải gỡ gần hết, chỉ để lại một chương trình hay dùng nhất.
"Bạn bè người thân giờ toàn trò chuyện qua OTT, cũng may mà dùng chương trình giống nhau nhiều nên xóa bớt mấy cái không dùng cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến việc liên lạc của mình", anh Vinh chia sẻ. Theo anh Vinh, nhờ sử dụng những phần mềm trò chuyện miễn phí này mà hóa đơn điện thoại hàng tháng của anh giảm một phần nên không nỡ bỏ hẳn.
Hiện có rất nhiều nơi rao bán phần mềm hỗ trợ gửi tin nhắn rác trên nền tảng OTT với các kiểu mời chào hấp dẫn như: tự động gửi tin nhắn hàng loạt đến tất cả các OTT đang hoạt động, tránh được bộ lọc... Các phần mềm này thường sử dụng mua kho dữ liệu số điện thoại được bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng trên mạng.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, đại diện Viber tại Việt Nam xác nhận OTT đang bị lợi dụng để phát tán tin nhắn rác nên đơn vị đã phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm bảo vệ người dùng. "Chúng tôi đã liên tục cập nhật bộ lọc thông minh để ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, thêm tính năng chặn số liên lạc của những dối tượng quấy nhiễu, cũng như giới hạn số lượng tin nhắn được gửi đi cùng lúc qua hệ thống. Ngoài ra, Viber đã gửi công văn thưa kiện đến các công ty kinh doanh các phần mềm gửi tin nhắn, giả mạo dịch vụ của Viber như Công ty cổ phần Solid và Công ty cổ phần công nghệ Viettek", bà cho biết.
Bà Quỳnh Anh chia sẻ thêm, thay vì chi tiền cho quảng bá thương hiệu để thu hút người dùng, công ty sử dụng phần ngân sách này cho việc phòng chống tin nhắn rác trên ứng dụng của mình. Viber được đánh giá là một trong những doanh nghiệp OTT tích cực với công tác phòng chống tin nhắn rác trên ứng dụng.
Theo vị đại diện, chính sách của công ty là không kinh doanh quảng cáo qua tin nhắn cho bất kì sản phẩm hoặc thương hiệu nào. Vì vậy, để bảo vệ người dùng tốt hơn, nhà cung cấp dịch vụ đang làm việc với công ty luật để thu thập thông tin nhằm đưa ra tòa các đơn vị lợi dụng thương hiệu của mình để gửi tin nhắn rác.
Một chuyên gia về công nghệ thông tin nhận định, với lượng người dùng thường xuyên (active user) rất lớn, Viber đang trở thành tâm điểm để các bên phát triển ứng dụng spam (nhắn rác) nhắm vào, đồng thời là môi trường đầy tiềm năng cho các bên quảng cáo muốn phát tán thông tin miễn phí. "Một số OTT khác cũng có hàng triệu thậm chí hơn chục triệu tài khoản, nhưng trong số này có thể rất nhiều người chỉ tải chương trình về máy, đăng kí rồi để đấy chứ hiếm khi dùng đến nên không phải là môi trường tốt cho quảng cáo", ông đánh giá.
Tại Hội nghị giao ban Quản lí Nhà nước tháng 4/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Giám đốc Trung tâm Thông tin phản ánh tình trạng tin nhắn rác OTT đang diễn biến ngày càng phức tạp và việc chưa có quy định quản lí cũng như chế tài xử phạt khiến cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Thực tế, trong khi cơ quan quản lí đang tập trung tìm và xử lí vấn nạn tin nhắn rác trên di động thông thường thì các đối tượng phát tán dần chuyển sang dịch vụ OTT, nơi vừa miễn phí nhắn tin, vừa chưa có chế tài quản lí cụ thể.
Theo Số Hoá.
Bình luận