Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử đến từ Trung Quốc vừa chính thức phát hành thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), trên thị trường chứng khoán New York ngày hôm nay.
Đây là đợt IPO lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Hoa Kì. Mức giá tham chiếu trong ngày IPO của Alibaba là 68 USD/cổ phiếu.
Chứng khoán Alibaba (BABA) mở cửa phiên giao dịch ở mức giá 92,7 USD/cổ phiếu, đưa mức vốn hóa thị trường của công ty lên thành 228 tỉ USD. Theo đó, giá trị của công ty tăng thêm tới 29,7 tỉ USD. Đây là mức tăng kỉ lục trong lịch sử chứng khoán Mỹ, vượt qua kỉ lục của VISA trước đó là 17,9 tỉ USD.
Trong thời gian giao dịch, đã có lúc thị giá của BABA được đẩy lên tới 99 USD/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu này giao động xung quanh ngưỡng 90 USD/cổ phiếu.
Kết thúc phiên, cổ phiếu BABA đóng cửa ở mức 93,89 USD/cổ phiếu. Tăng tới 38% so với mức giá tham chiếu của ngày IPO.
"Dựa trên giá đóng cửa của ngày hôm qua, Alibaba sẽ là một trong 15 công ty có mức vốn hóa lớn nhất thuộc chỉ số S&P500", ông John Butters, công ty phân tích tài chính FactSet cho biết.
Alibaba sẽ xếp hạng 12, đứng trên cả các công ty kì cựu của Mỹ như Pfizer (193,9 tỉ USD), IBM (193,3 tỉ USD), và Coca-Cola (183,3 tỉ USD).
Trong nhóm các công ty công nghệ phần mềm & dịch vụ thuộc chỉ số S&P 500, Alibaba sẽ xếp hạng thứ 2 trong số 7 công ty vốn hóa thị trường cao nhất. Alibaba sẽ đứng sau Google, nhưng đứng trên hàng loạt ông lớn công nghệ như Facebook, eBay, Yahoo, Akamai Technologies và VeriSign .
Đặc biệt, trong số các công ty công nghệ bán lẻ thuộc chỉ số S&P 500, Alibaba sẽ xếp hạng đầu tiên trong số 6 công ty có mức vốn hóa thị trường cao nhất, trước cả Amazon, Priceline, Netflix, TripAdvisor, và Expedia.
Các nhà đầu tư tin tưởng ở Alibaba bởi họ cho rằng các hoạt động thương mại điện tử sẽ bùng nổ tại Trung Quốc trong thời gian tới cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Tổng giá trị các món hàng giao dịch thông qua Alibaba năm 2013 là 248 tỉ USD, theo ước tính của hãng tư vấn IDC, tức lớn hơn tổng giá trị giao dịch của Amazon.com, eBay, JD.com và công ty thương mại điện tử lớn của Nhật Bản, Rakuten, cộng lại.
Theo Infonet.
Bình luận