Đối với dịch vụ nội dung thông tin có mức giá cước từ 1.000 đồng trở xuống, MO được hưởng tối đa không quá 70% giá cước thu được từ khách hàng. Ảnh: minh họa.

Tỉ lệ phân chia doanh thu giữa CSP với MO là một trong những chủ đề “nóng” nhất tại cuộc họp bàn về dự thảo Thông tư quy định về kết nối CSP với MO diễn ra chiều 22/9/2014, tại trụ sở Bộ TT&TT, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng và sự góp mặt của khoảng 10 CSP lớn.

Đại diện cho Cục Viễn thông để trình bày tóm tắt dự thảo Thông tư, ông Nguyễn Thành Chung, Phó Phòng cấp phép thị trường nhấn mạnh quan điểm của Bộ TT&TT là để CSP và MO tự thỏa thuận giá cước và phân chia doanh thu đối với các dịch vụ nội dung thông tin trên cơ sở đảm bảo khả thi về mặt kĩ thuật để tính cước, đối soát số liệu, phù hợp vói sự đóng góp và lợi ích của các bên. Nếu CSP và MO không tự thỏa thuận được thì áp dụng theo nguyên tắc thống nhất tỉ lệ phân chia doanh thu dịch vụ nội dung thông tin được quy định trong Thông tư.

Cụ thể, trường hợp giá cước dịch vụ nội dung thông tin tính trên một đơn vị bản tin nhắn sẽ phân ra 3 mức phân chia tỉ lệ như sau: Đối với dịch vụ có mức giá cước từ 1.000 đồng trở xuống, MO được hưởng tối đa không quá 70% giá cước thu được từ khách hàng. Đối với dịch vụ có mức giá cước trên 1.000 đồng đến 10.000 đồng, MO được hưởng tối đa không quá 50%. Đối với dịch vụ có mức giá cước trên 10.000 đồng, MO được hưởng tối đa không quá 30%. Còn trường hợp giá cước dịch vụ nội dung thông tin tính trong một khoảng thời gian nhất định như ngày/tuần/tháng…, thì MO được hưởng tối đa không quá 40%.

Cũng theo đại diện Cục Viễn thông, ở nhiều quốc gia khác, tỉ lệ ăn chia giữa CSP và MO cũng thay đổi tùy theo giá cước dịch vụ. Phần tỉ lệ của các CSP tăng dần tỉ lệ thuận với mức giá cước dịch vụ. Nói cách khác, dịch vụ có giá cước cao thì CSP được hưởng tỉ lệ ăn chia cao hơn.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định: “Dịch vụ cung cấp nội dung thông tin là mô hình hợp tác kinh doanh giữa CSP với MO, không phải mô hình mua đứt bán đoạn, dùng đến đâu mua đến đấy. Khách hàng của CSP cũng là các thuê bao di động của MO. Khi dịch vụ nội dung được cung cấp qua tin nhắn, giữa CSP và MO là quan hệ cộng sinh.

Trên thế giới, các nước cũng đều áp dụng cách thức phân chia giá cước thu được của khách hàng sử dụng dịch vụ nội dung thông tin cho hai bên CSP và MO. Tại Việt Nam, Nghị định số 72 về quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng đã xác định rõ mô hình hợp tác kinh doanh giữa CSP với MO.

Đã là mô hình hợp tác kinh doanh thì trước hết các CSP và MO phải tự thỏa thuận tỉ lệ ăn chia. Những dịch vụ mà nhiều nội dung và có tính sáng tạo thì các CSP phải được hưởng tỉ lệ cao hơn. Còn những dịch vụ ít giá trị, không có tính sáng tạo như tin nhắn xổ số…(theo thống kê của các MO, loại dịch vụ này đang chiếm khoảng 30 – 40% doanh thu của các CSP Việt Nam), thì MO phải được hưởng phần nhiều. Trường hợp không thỏa thuận được thì Nhà nước khuyến cáo khung tham chiếu để các doanh nghiệp căn cứ vào đó để đàm phán. Nếu vẫn không thỏa thuận được thì phải hiệp thương giá theo Luật Giá”.

Theo dự thảo Thông tư quy định về kết nối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin với doanh nghiệp viễn thông di động, Bộ TT&TT sẽ cấp đầu số trực tiếp cho các CSP thay vì trước đây CSP phải thuê đầu số của MO. CSP đang sử dụng số dịch vụ tin nhắn ngắn để cung cấp dịch vụ trước khi Thông tư có hiệu lực sẽ được ưu tiên phân bổ lại chính số dịch vụ tin nhắn ngắn đó. CSP đang sử dụng nhiều hơn 10 số dịch vụ tin nhắn ngắn để cung cấp dịch vụ cũng sẽ được phân bổ tất cả các số dịch vụ tin nhắn ngắn đó trong lần phân bổ đầu tiên. CSP sẽ phải nộp lệ phí phân bổ, phí sử dụng số dịch vụ tin nhắn ngắn theo quy định; đăng kí với MO số thuê bao di động, mã định danh tương ứng (nếu có) để gửi tin nhắn quảng cáo, chăm sóc khách hàng cho dịch vụ mà mình cung cấp. Nội dung tin nhắn quảng cáo, giới thiệu dịch vụ của CSP phải ghi rõ số dịch vụ tin nhắn ngắn, loại hình thông tin và giá cước tương ứng.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)