Biệt đội đánh thuê 3 bị phát tán lên Internet trước ngày ra mắt đã khiến hãng phim Millennium bị mất khoảng 250 triệu USD.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, vi phạm tác quyền trên Internet là hệ quả tất yếu của phát triển công nghệ. Việt Nam cũng không tránh khỏi tình trạng vi phạm bản quyền phim và chương trình truyền hình tràn lan trên Internet.

Thậm chí có nhiều ý kiến dự báo, hiện Việt Nam đang có hơn 30 triệu người dùng Internet và con số này vẫn tiếp tục tăng lên, Việt Nam cũng có kế hoạch phát triển mạng băng thông rộng, đây là các "điều kiện tốt" để tình trạng vi phạm bản quyền các nội dung trên Internet sẽ ngày càng có cơ hội gia tăng.

Theo ông Matt Pollins, thành viên của Tổ chức Olswang Asia LLP nhận xét, Việt Nam có luật về sở hữu rất mạnh có thể so sánh ngang với luật sở hữu trí tuệ của các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng Việt Nam lại đang yếu ở trong khâu thực thi. Luật đã có nhưng vấn đề quan trọng là hiện thực hóa luật thế nào, các cơ quan quan lí phải làm thế nào để phát hiện ra vi phạm tác quyền trong lĩnh vực truyền hình, giải trí. Bản thân người có quyền sở hữu trí tuệ cũng chưa thật sự thức tỉnh để giữ được quyền của mình.

Nạn vi phạm bản quyền trên môi trường mạng diễn ra ở khắp thế giới, kể cả những nước mà có sự bảo hộ chặt chẽ về bản quyền như Anh, Mỹ. Các nước này cũng đã có những cách làm khác nhau trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet.

Mỹ: Truy lùng người tải phim lậu

Như trường hợp Hãng phim Millennium (Mỹ) đã có một xử lí khá độc đáo khi mà bộ phim “Biệt đội đánh thuê 3” bị phát tán lên Internet trước khi ra mắt là một ví dụ.

Bản tin thời sự VTV vào ngày 22/9 đưa tin, ông Avi Lerner, Chủ tịch hãng phim Millennium, kiêm nhà sản xuất phim “Biệt đội đánh thuê 3” cho biết, ông bị thiệt hại khoảng 250 triệu USD do bộ phim này bị phát tán lên Internet trước khi ra mắt.

Hãng phim Millennium hiện đang cố gắng xử lí những người tải lậu bộ phimBiệt đội đánh thuê 3 theo một cách thức khá lạ lùng. Thay vì đưa vụ việc ra tòa, hãng phim cố gắng truy lùng 10 triệu người đã tải phim trái phép, bằng cách gửi thư cho từng người, thông qua các địa chỉ IP (địa chỉ Internet) mà họ để lại khi tải phim trái phép.

Lionsgate - công ty phụ trách phân phối The Expendable 3 (Biệt đội đánh thuê 3), đã ngăn chặn thành công 6 trang web phát tán bộ phim. Công ty này tuyên bố, tất cả những địa chỉ IP tải lậu phim sẽ bị khởi kiện. Ước tính khoảng 550.000 thư đã được gửi đi kể từ khi hoạt động "trả đũa tải lậu" này bắt đầu vào giữa tháng 9/2014.

Anh: Chặn nguồn quảng cáo của trang web lậu

Ông Joe Welch, Phó Chủ tịch cao cấp về quan hệ chính phủ của hãng phiem 21stCentury Fox cho biết, ở Anh đã thực thi bảo vệ quyền tác giả bằng cách chặn nguồn quảng cáo trên các trang web "lậu". Theo đó, cảnh sát London đã thành lập lực lượng cảnh sát chống vi phạm bản quyền từ cuối năm 2013. Lực lượng cảnh sách này đã hành động bằng cách công bố công khai danh mục các trang web đen và yêu cầu các nhà quảng cáo dừng tất cả hoạt động quảng cáo trên các trang web đen này.

Ông Joe Welch cho biết, ở Anh đã triển khai rất mạnh vấn đề chặn quảng cáo trên trang web vi phạm bản quyền, không bao giờ có chuyện những nhãn hàng lớn như Nokia quảng cáo trên những trang web đen. Và kết quả là nếu không có quảng cáo trên các trang web vi phạm bản quyền, họ sẽ không có nguồn thu và không thể duy trì được nữa.

Ông Joe Welch cho biết, nạn vi phạm bản quyền trên Internet ở Anh đã giảm đáng kể trong một thời gian ngắn. Ở Hàn Quốc nạn vi phạm bản quyền phim và truyền hình cũng giảm khoảng 50% trong những năm gần đây, trong khi ở Việt Nam, Úc và Singapore thì tình trạng này lại tăng lên. Các nước giảm được nạn vi phạm bản quyền là do Chính phủ hành động quyết liệt bằng cách đóng cửa trang web vi phạm bản quyền hoặc chặn quảng cáo.

"Vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam có thực thi quyết liệt hay không mà thôi. Bởi vì các trang web đen dù có tên miền ở nước ngoài nhưng họ vẫn phải có trụ sở ở Việt Nam để kí các hợp đồng và thu tiền từ quảng cáo", ông Joe nói.

Bà Phan Cẩm Tú, Tư vấn của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kì (MPA) cho rằng, vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) rất quan trọng trong việc bảo vệ bản quyền trên Internet. Bởi dù các trang web có đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài cũng sẽ phải có kết nối với các ISP Việt Nam. Do đó, nếu các ISP hợp tác thì hoàn toàn có thể bảo vệ bản quyền được các chương trình giải trí, điện ảnh của trong nước và quốc tế.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)