Sẽ rất nguy hại nếu tiếp tục sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp đến năm 2030.

Quyết định 1469 /QĐ-TTg ban hành ngày 22/8 được cho là có nhiều điểm mới trong vấn đề amiăng khi yêu cầu ngành xây dựng từ nay đến năm 2020 “không đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng các cơ sở có sử dụng amiăng chrysotile (amiăng trắng)” đồng thời “thực hiện chuyển đổi dần việc sử dụng các loại sợi thay thế sợi amiăng chrysotile”.

Ngoài ra, trong định hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng tới năm 2030, Thủ Tướng Chính Phủ cũng yêu cầu “xây dựng lộ trình giảm dần tiến tới chấm dứt việc sử dụng sợi amiăng chrysotile trong sản xuất vật liệu lợp”.

Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định này thì tới sau năm 2020 ngành xây dựng mới xây dựng lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng. Và theo đó, amiăng rất có thể vẫn được phép sử dụng tại Việt Nam cho tới năm 2030.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu để đến năm 2030 mới cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng trong tấm lợp là quá muộn.

Theo TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) trong khi các quốc gia quanh ta như Thái Lan, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc cấm hoàn toàn sử dụng amiăng trắng, các Tổ chức Y tế thế giới WHO, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam ngừng sử dụng amiăng trắng trước năm 2020 thì Quy hoạch mới của ngành vật liệu xây dựng lại đang tạo ra cơ hội để amiăng tiếp tục được sử dụng cho tới năm 2030.

"Với việc đưa yêu cầu xây dựng lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng trắng vào định hướng tới 2030, Quyết định này đang thể hiện sự đi ngược với xu thế chung của thế giới trong vấn đề amiăng”, TS.Tuấn nói.

TS.Tuấn cũng cho rằng, quy hoạch "đi ngược xu hướng" này đang đẩy thị trường sản phẩm vật liệu không chứa amiăng vào tay các công ty nước ngoài.

"Thông tin mới nhất nhất từ hội nghị quốc tế về phát triển vật liệu xây dựng không chứa amiăng vừa kết thúc tại Đà Nẵng tuần trước cho biết, sản phẩm vật liệu xây dựng không amiăng đang phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây. Việt Nam càng để muộn việc cấm triệt để sản xuất tấm lợp amiăng, càng tạo ra nguy cơ để mất thị trường vào tay các công ty nước ngoài", TS.Tuấn nhận định.

Trong khi đó, PGS.TS.Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lí môi trường y tế, Bộ Y tế thì cho rằng, hiểu theo Quyết định này thì việc xây dựng lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng trắng phải được tiến hành từ trước 2020.

Ông Nga cho rằng, việc xác định lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng trắng trong định hướng tới năm 2030 thực chất là tiếp tục tinh thần của định hướng đầu tư từ nay đến năm 2020: “Thực hiện chuyển đổi dần việc sử dụng các loại sợi thay thế sợi Amiăng chrysotile”.

"Điều này có nghĩa các cơ sở sản xuất tấm lợp xi măng Amiăng (tấm lợp AC) phải có lộ trình chuyển đổi sang vật liệu thay thế amiang trắng trước năm 2020”, ông Nga nói.

Từ đó, ông Nga cho rằng, việc xây dựng lộ trình giảm dần tiến tới chấm dứt việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu tấm lợp được đề ra trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là phải xây dựng lộ trình từ nay tới năm 2020 chứ không phải sau 2020 mới bắt đầu xây dựng.

Nhiều nguy hại

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu như tiếp tục do dự, không có biện pháp cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng trắng, hậu quả sẽ vô cùng nguy hại.

Theo ông Nguyễn Huy Nga, nếu hiểu Quyết định 1469 cho phép sử dụng amiăng trắng đến năm 2030 thì trong vòng 16 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng loại vật liệu nguy hại này.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trung bình 65.000 tấn amiang thì đến năm 2030 ở Việt Nam sẽ có thêm trên 1 triệu tấn amiăng được sử dụng trong sản xuất và đưa ra tiêu thụ trên thị trường trong nước.

"Hậu quả thật nghiêm trọng đối với sức khỏe người lao động và cộng đồng”, ông Nga nói.

Theo ông Nga, các nhà khoa học đã tính toán rằng, cứ mỗi 170 tấn amiăng được tiêu thụ sẽ có thêm 1 trường hợp mắc bệnh ung thư trung biểu mô, chưa tính đến các trường hợp mắc các bệnh ung thư phổi, màng bụng, màng tim, buồng trứng hay các bệnh liên quan tới amiăng khác.

Như vậy, nếu đến năm 2030, Việt Nam nhập khẩu thêm 1,12 triệu tấn amiăng trắng thì chúng ta sẽ có thêm 6.600 trường hợp ung thư trung biểu mô, nhiều hơn cả số lượng ngành công nhân trong 39 nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng hiện nay.

"Đó là còn chưa tính đến các trường hợp mắc các bệnh khác do amiăng vào năm 2040 – 2050 và cũng như các trường hợp bị bệnh do amiăng trong suốt thời gian 30-40 năm đã sử dụng”, ông Nga nói thêm.

TS Trần Tuấn cũng cho rằng, trong khi amiăng là loại vật liệu độc hại không chỉ với người lao động trực tiếp mà còn với cả người dân sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng thì Quyết định 1469 dường như chưa xem xét kĩ tới khía cạnh ảnh hưởng của vật liệu amiăng tới sức khỏe.

"Thực chất câu chuyện amiăng là vấn đề càng sử dụng càng gia tăng nguy cơ mắc ung thư cho cộng đồng, tăng chi phí điều trị bệnh tật, chi phí làm sạch môi trường, gây bức xúc trong xã hội, giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế về lĩnh vực y tế cộng đồng. Thế nhưng, trong Quyết định này, chúng ta chưa thấy bất cứ vai trò nào của Bộ Y tế trong việc kiểm soát tác hại của amiăng tới sức khỏe. Đây là điểm rất cần phải xem xét lại”, TS Tuấn nhận định.

Thiệt thòi cho công nghệ sạch

Theo TS Đỗ Quốc Quang, Viện Công nghệ, Bộ Công thương thì Quyết định 1469 không chỉ tạo “kẽ hở” để amiăng trắng có thể được sử dụng tới năm 2030 mà còn gây ra nhiều thiệt thòi cho các công nghệ sạch thay thế amiăng.

TS Quang cho rằng, Quyết định 1469 đã đưa tấm lợp amiăng vào nhóm sản phẩm xi măng sợi. Về bản chất, điều này không sai (amiăng cũng là sợi), song trong số các loại sợi dùng sản xuất tấm lợp, chỉ duy nhất sợi amiăng mới gây ra bụi nguy hiểm, có thể dẫn đến ung thư.

Do vậy, theo ông Quang, việc đặt ra yêu cầu về thiết bị xé bao, nghiền, định lượng sợi cho các cơ sở sản xuất tấm lợp xi măng sợi nói chung là không cần thiết.

"Trong các loại sợi, chỉ có sợi amiăng mới có cảnh báo độc hại trên bao bì của nhà sản xuất. Do vậy, chỉ có sợi amiăng mới cần đến thiết bị xé bao còn các sản phẩm xi măng sợi không amiăng thì không cần”, ông Quang phân tích.

Ông Quang cũng cho rằng, trong quy hoạch ngành tấm lợp được nêu ra trong Quyết định 1469 đặt ra chỉ tiêu tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất xi măng sợi (bao gồm cả nhà máy sản xuất amiăng lẫn không amiăng) là 106 triệu m2 nhưng lại không quy định rõ, bao nhiêu m2 là tấm lợp có amiăng, bao nhiêu m2 là tấm lợp không amiăng.

Theo ông Quang, điều này sẽ gây khó cho công nghệ sạch thay thế amiăng. Bởi lẽ, việc hạn chế mở rộng dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng theo Quyết định 1469 là rất khó thực hiện.

"Việc hạn chế mở rộng các dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng đã có từ Quyết định 133 năm 2004, tuy nhiên, thực tế là không hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp cho đến nay không phải đăng kí sản lượng thì làm sao biết được họ có mở rộng sản xuất hay không?”, ông Quang phân tích.

Dừng sử dụng amiăng trắng vào năm 2020.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh lại các nội dung có liên quan trong Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (được phê duyệt trong Quyết định 1469 /QĐ-TTg, ban hành ngày 22/8 vừa qua).

Trong văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2014 về phương án không phản đối đề xuất đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Côn ước Rotterdam trong kỳ họp 2015 sắp tới.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao cho các Bộ Xây dựng, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quản lý quốc tế và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất và sử dụng amiăng trắng.

Theo VietNamNet.



Bình luận

  • TTCN (0)