Trang này cho biết, vấn đề không nằm ở chỗ iPhone 6 Plus khó nhét vừa túi quần của người sử dụng hay iPhone 6 dễ dàng bị bẻ cong, mà nằm ở chức năng khóa chiếc smartphone này. Tờ New York Times nói rằng, iPhone 6 đánh dấu “thế hệ thiết bị đầu tiên hậu Snowden làm đứt đoạn khả năng điều tra” của các cơ quan an ninh Mỹ. Edward Snowden là cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nổi tiếng với những tiết lộ về hoạt động nghe lén của Mỹ khắp thế giới.
Vì sao chức năng khóa điện thoại của iPhone 6 lại gây lo ngại? Lí do là, với hệ điều hành mới dành cho iPhone, iPad và iPod Touch, “một khi người sử dụng đặt một mật mã, Apple sẽ không thể mở khóa thiết bị nữa, cho dù nhận được lệnh của tòa án”, tờ Slate viết. Điều này đồng nghĩa với việc nếu tòa lệnh cho Apple tiết lộ những nội dung chứa bên trong một chiếc điện thoại, tất cả những gì mà Apple có thể đưa ra chỉ là những dữ liệu vô nghĩa.
Apple nói rằng, việc phá mật mã của iPhone 6 có thể mất thời gian hơn 5 năm. Mặc dù vậy, các chuyên gia nói rằng, tuyên bố này đã đánh giá thấp về khả năng phá mã của các cơ quan tình báo.
Apple không phải là nhà sản xuất smartphone đầu tiên mã hóa dữ liệu trên điện thoại. Hệ điều hành Android đã làm điều này trong nhiều năm, cho dù việc mã hóa không phải là cài đặt mặc định trên những chiếc smartphone chạy Android. Phiên bản tiếp theo của Android sẽ có chức năng mã hóa mặc định.
Các cơ quan an ninh lo ngại việc khó phá mật mã của iPhone 6 có thể gây khó khăn cho hoạt động chống khủng bố và các loại tội phạm khác. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ Mỹ nên tự chê trách mình. Những tiết lộ của Snowden trong vụ nghe lén toàn cầu đã khiến không ít người trở nên nghi ngờ về các sản phẩm do Mỹ sản xuất.
“Việc tồn tại trên thị trường toàn cầu, nhất là ở các thị trường như Trung Quốc, Brazil và Đức, tùy thuộc vào khả năng thuyết phục người tiêu dùng về việc dữ liệu của họ là an toàn”, tờ Times viết.
Trong khi đó, bài báo của tờ Slate nói, việc chỉ tập trung quan tâm tới Chính phủ Mỹ là “thiển cận”, bởi Apple có cửa hàng bán lẻ ở 14 quốc gia và điện thoại “quả táo” có mặt ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. “Chính phủ Mỹ không phải là chính phủ duy nhất thực thi pháp luật hay chính phủ duy nhất quan tâm tới dữ liệu của công dân”, tờ này viết.
Theo Vneconomy.
Bình luận