Chiều 29/9, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã có buổi làm việc với ông Boonsan Gan, Tổng Giám đốc khối Chính phủ của Microsoft Châu Á – Thái Bình Dương về việc Microsoft hỗ trợ Đà Nẵng triển khai các giải pháp CitiNext (TP tương lai).

Tại đây, ông Phùng Tấn Viết cho hay, trong quá trình triển khai, vận hành chính quyền điện tử, Đà Nẵng đang gặp một số khó khăn mà Microsoft có thể giúp tháo gỡ. Trong đó, ông mong muốn Microsoft hỗ trợ Đà Nẵng trong vấn đề bản quyền hóa các sản phẩm phần mềm trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là hệ điều hành cho các thiết bị đầu cuối; và tiếp tục hỗ trợ TP trong một số ứng dụng sử dụng nền tảng của Microsoft.

Theo Boonsan Gan, khi nói đến vấn đề bản quyền hóa thì điều ông suy nghĩ trước tiên không phải là tiến hành việc đó như thế nào mà là làm sao để Đà Nẵng có hệ thống bảo mật đảm bảo tốt nhất. Khi sử dụng các phần mềm có bản quyền thì khả năng bị tấn công sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. Đây là bước đảm bảo cho hệ thống được an toàn, bảo mật nhất.

Microsoft đã có thỏa thuận hợp tác với VNCERT (Trung tâm cứu hộ khẩn cấp máy tính Việt Nam) để dò tìm các lỗ hổng trong hệ thống phần mềm của Microsoft. Hai bên đã có các hoạt động chặt chẽ để đảm bảo cho những người sử dụng hợp pháp các sản phẩm của Microsoft được an toàn.

Boonsan Gan cho hay, ông đã chứng kiến hệ thống điều hành của nhiều cơ quan bị tấn công do sử dụng các phần mềm không chính quy. Các phần mềm này có hai yếu tố rất nguy hiểm. Thứ nhất là nó đã được cài đặt các chương trình làm tổn hại hệ thống khi máy tính sử dụng phần mềm này kết nối vào. Thứ hai là dù lúc khởi đầu không có lỗi nhưng qua thời gian sử dụng, các phần mềm không có bản quyền đó do không được cập nhật, vá lỗi liên tục nên tạo ra những điểm hở cho các hacker tấn công, xâm nhập hệ thống.

“Điều Microsoft quan tâm nhất đối với hệ thống phần mềm là bảo vệ khách hàng khỏi bị tấn công trong quá trình sử dụng. Tại Trung tâm bảo mật của Microsoft có chương trình kiểm tra tất cả các điểm sử dụng hệ thống của Microsoft trên toàn thế giới nhằm phát hiện ở đâu có những điểm yếu về bảo mật, ở đâu đang bị tấn công. Hồi tháng 4/2014 tôi có dịp đến tham quan Trung tâm và nhận thấy Trung Quốc đứng hàng đầu danh sách này, và rất tiếc là Việt Nam đang đứng hàng thứ ba!", Boonsan Gan nói.

Thế rồi ông tải danh sách đó trên điện thoại di động và đem đến cho ông Phùng Tấn Viết “tận mục sở thị” số lượng máy tính ở các nước trên thế giới đang được Trung tâm bảo mật của Microsoft quan sát, số lượng máy đang có nguy cơ bị hacker tấn công... Tất cả các số liệu đó có thể hiện nguy cơ mà người sử dụng máy tính bị mất thông tin một cách vô hình, thậm chí có thể mất các thông tin về tài chính trên máy tính của mình.

“Trăm nghe không bằng một thấy”. Microsoft theo dõi các hiện tượng đó hàng ngày nên nhận thấy những nguy cơ cao, còn người dùng nhiều khi không nhìn thấy nên cảm thấy mình vẫn còn an toàn. Chính vì vậy, Microsoft kết hợp với VN Search để tiến hành các nghiên cứu về nguy cơ mất thông tin trên thị trường Việt Nam và thông báo cho khách hàng biết”, ông Boonsan Gan cho hay.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết ghi nhận những thông tin do ông Boonsan Gan và hi vọng Microsoft sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ quan quản lí nhà nước trên địa bàn, đặc biệt là các sở, ban, ngành đã vào làm việc tập trung tại Trung tâm Hành chính TP trong lĩnh vực bảo mật cho hệ thống điều hành.

Theo Infonet.




Bình luận

  • TTCN (0)